Gánh nặng dự phòng nợ xấu có nguy cơ tăng vọt tại các ngân hàng

Nếu không có cơ chế hỗ trợ, năm nay, hàng loạt ngân hàng sẽ đứng trước nguy cơ trích lập dự phòng nợ xấu đột ngột tăng vọt, ăn mòn lợi nhuận.

Nhiều ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế phù hợp với trích lập dự phòng rủi ro. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế phù hợp với trích lập dự phòng rủi ro. Ảnh: Đức Thanh

Đồng loạt xin tiếp tục kéo dài giãn, hoãn nợ

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tuần qua, dư nợ thiệt hại bởi bão lụt tại các tỉnh phía Bắc là 115.00 tỷ đồng. Tính đến tuần này, con số thiệt hại có thể đã lên tới 1% dư nợ của toàn hệ thống. Như vậy, nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng tăng lên là rất lớn. Đặt trong bối cảnh nợ xấu tăng nhanh từ đầu năm, áp lực với các ngân hàng càng thêm căng thẳng.

Báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần cuối tuần qua, Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, tính đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng TMCP tư nhân tại thời điểm cuối tháng 6/2024 lên tới 7,77%.

Trước tình hình này, lãnh đạo của hàng loạt ngân hàng kiến nghị NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ. “Hiện tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống còn ở mức cao, do đó, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, Chính phủ nên xem xét việc gia hạn hiệu lực của Thông tư 06/2024/TT-NHNN về cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ tới sau ngày 31/12/2024 với các hướng dẫn cụ thể hơn về giãn, hoãn, thời hạn trả nợ”, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank kiến nghị.

Tương tự, Tổng giám đốc Agribank kiến nghị NHNN kéo dài cơ chế cơ cấu nợ thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ lụt, trên cơ sở cân đối dòng tiền của khách hàng, không giới hạn thời điểm giải ngân, áp dụng đối với khoản nợ đến hạn trước ngày 30/6/2025.

Không chỉ nợ xấu có nguy cơ gia tăng, mà việc thu hồi, xử lý nợ năm nay với các ngân hàng cũng gặp khó hơn các năm trước do Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Việc xử lý tài sản đảm bảo hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình tố tụng và bán tài sản đảm bảo - thường kéo dài rất lâu.

Theo ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB, tình trạng trên khiến các ngân hàng gặp khó khăn vì phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng cho biết, tình trạng trên khiến các ngân hàng bị kẹt dòng tiền, ảnh hưởng đến việc tái tài trợ cho nền kinh tế, cũng như hỗ trợ khách hàng.

Sửa cơ chế về trích lập dự phòng rủi ro

Trước tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân và áp lực của các tổ chức tín dụng, gần như chắc chắn NHNN sẽ cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Cần có cơ chế tạo thuận lợi cho ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm.

- Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB

Đề nghị Chính phủ và NHNN tạo cơ chế cho việc xử lý nợ mạnh mẽ tương tự Nghị quyết 42/2017/QH14 tạo thuận lợi cho ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm. Đồng thời, cần có hành lang pháp lý thống nhất liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản cho ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, bởi quy định hiện nay đang thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý tài sản.

Tất nhiên, việc kéo dài cơ cấu nợ sẽ khiến bức tranh nợ xấu ngày càng khó lường, nợ xấu chưa tăng nhanh ngay lập tức, song nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu sẽ ngày càng tăng. Đây là lý do theo cơ chế hiện hành, NHNN yêu cầu các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 100% cho khoản nợ được giãn, hoãn.

Nếu cơ chế này được tiếp tục, khi NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ sang năm 2025, nợ xấu năm nay và năm 2025 có thể chưa tăng vọt, song các ngân hàng sẽ đứng trước áp lực tăng vọt trích lập dự phòng rủi ro. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận, mà còn ảnh hưởng đến dòng tiền của các ngân hàng. Do đó, nhiều ngân hàng kiến nghị NHNN cần có cơ chế phù hợp với trích lập dự phòng rủi ro.

“Các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ một số cơ chế chính sách để ngân hàng có thể tái đầu tư, hỗ trợ tốt hơn đối với khách hàng, bao gồm cơ chế hỗ trợ tài chính và cơ chế trích lập, phân bổ dự phòng rủi ro phù hợp cho các tổ chức tín dụng”, lãnh đạo một ngân hàng thuộc nhóm Big 4 đề xuất.

Trước đó, Nghị quyết 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 của Chính phủ cũng giao NHNN căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 147, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3.

Liên quan tới vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, NHNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu, bổ sung những nội dung liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro (làm căn cứ cho việc xây dựng cơ chế), giãn, hoãn thời hạn trả nợ (dành riêng cho đối tượng chịu thiệt hại từ bão số 3), để sớm trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đề xuất cơ chế đặc biệt về dự phòng rủi ro, các ngân hàng cũng kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, xem xét các biện pháp thay thế thu giữ tài sản đảm bảo, có hướng dẫn cụ thể về khởi kiện với cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo… Việc thu hồi nợ không chỉ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng, mà còn giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ vòng quay đồng tiền, tái đầu tư cho nền kinh tế.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ganh-nang-du-phong-no-xau-co-nguy-co-tang-vot-tai-cac-ngan-hang-d225728.html
Zalo