Gánh nặng 'bệnh tật kép' ở người cao tuổi

Theo thống kê của Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt đang ở mức khá cao, hơn 73,6 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 65,4 tuổi. Hiện người cao tuổi (NCT) ở nước ta đang đối diện với gánh nặng 'bệnh tật kép', thường mắc các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, mạch vành, thoái hóa khớp, ung thư... Ngoài ra, còn có các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ.

Sống thọ nhưng chưa khỏe

Hơn 5 năm nay kể từ khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Trọng Huân (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) trở thành người bệnh quen thuộc của các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất. Ngoài bị tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh viêm gan B của ông đang chuyển sang giai đoạn xơ gan và diễn biến nặng. Vậy là chưa kịp hưởng thời gian nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác, ông Huân đã gắn với chuỗi ngày dài thăm khám và nằm điều trị tại bệnh viện.

 Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè (TPHCM) thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè (TPHCM) thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi

Tương tự, ông Bùi Văn Bôn (72 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, ông đã 2 lần nhập viện để thay stent động mạch vành. “Tôi có tiền sử tăng huyết áp, càng lớn tuổi tình trạng xơ vữa thành mạch càng tiến triển, gây hẹp lòng động mạch, nguy hiểm đến tính mạng; chưa kể tôi bị đái tháo đường, đau cột sống thắt lưng, rối loạn chuyển hóa lipid… Cứ mong tuổi già an nhàn với con cháu nhưng đa số thời gian nằm viện lại phải phiền con, phiền cháu”, ông Bôn tâm sự.

ThS Lữ Mộng Thùy Linh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TPHCM), cho biết, năm 2024, ngành y tế thành phố đã thăm khám cho 327.552 NCT sinh sống trên địa bàn (chiếm 29,5%). Trong đó, hầu hết NCT đang đối mặt với gánh nặng “bệnh tật kép”: vừa là hậu quả tích lũy của các bệnh lý mãn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, sa sút trí tuệ…, vừa có nguy cơ cao gặp phải các tình trạng suy giảm chức năng, biến chứng điều trị, lệ thuộc thuốc và giảm chất lượng sống. “Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm. Thế nhưng, do nhiều người không có thói quen khám bệnh định kỳ và còn chủ quan trong điều trị bệnh, nên khi phát hiện ra bệnh thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, khiến việc chữa trị rất khó khăn, tốn kém”, ThS Lữ Mộng Thùy Linh nói.

Chi phí chăm sóc cao

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng Bộ môn Lão khoa, Trường Đại học Y Dược TPHCM, mô hình bệnh tật ở NCT đã chuyển dịch từ các bệnh nhiễm trùng sang bệnh không lây nhiễm mạn tính, như tim mạch, đái tháo đường và các rối loạn tâm thần. Những bệnh lý này không chỉ gây suy giảm chức năng mà còn làm tăng nguy cơ tàn tật, mất thị lực, mất thính lực và đau mạn tính…, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của NCT. Chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhóm dân số này cao gấp 7-8 lần so với trẻ em, tạo ra gánh nặng tài chính đáng kể, đặc biệt ở các hộ gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa… Bên cạnh đó, nhận thức về chăm sóc sức khỏe của NCT còn thấp, không biết cách phòng ngừa các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, thoái hóa khớp… khiến nguy cơ mắc gia tăng và tiến triển nặng thành mạn tính.

Trong khi đó, ThS Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số (Sở Y tế TPHCM), cho rằng, trung bình mỗi NCT mắc hơn 2 bệnh không lây nhiễm phải điều trị suốt đời. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của NCT. Bên cạnh đó, việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của NCT còn bị giới hạn, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng.

“Hầu hết các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT còn phân tán, riêng lẻ, chưa mang tính hệ thống và thiếu sự lồng ghép với các chương trình khác liên quan đến NCT, như: thiếu các dịch vụ chăm sóc tại nhà cho NCT; nguồn nhân lực cho chăm sóc sức khỏe NCT chưa được quan tâm phát triển; chất lượng chăm sóc NCT còn chưa cao; thiếu nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT già yếu neo đơn tại cộng đồng…”, ThS Phạm Chánh Trung thông tin.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở trong việc thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc NCT theo định hướng ưu tiên, thuận tiện, sẵn có, dễ tiếp cận; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc khỏe dài hạn dành cho NCT.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai chương trình khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm, kết hợp lập hồ sơ sức khỏe điện tử đối với tất cả NCT; xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về sức khỏe của NCT, từ đó trích xuất được mô hình bệnh tật của dân số cao tuổi, hoạch định các chính sách chăm sóc sức khỏe NCT sát với thực tiễn. Đồng thời, xây dựng, phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng. Hình thành mạng lưới tình nguyện viên, cộng tác viên tham gia hoạt động theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm của NCT tại gia đình và cộng đồng.

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai gói can thiệp thiết yếu về bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở năm 2025. Chỉ tiêu đề ra là phấn đấu 100% trạm y tế đang triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đều tham gia gói can thiệp thiết yếu về tăng huyết áp, đái tháo đường và có đầy đủ thuốc điều trị.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ganh-nang-benh-tat-kep-o-nguoi-cao-tuoi-post789590.html
Zalo