Gắn trách nhiệm của cán bộ trong giải quyết kiến nghị của cử tri

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 và các ý kiến, kiến nghị tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 9/7/2020 của HĐND tỉnh do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức ngày 27-11. Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị (ảnh).

Theo báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, có 160 ý kiến, kiến nghị của cử tri UBND tỉnh cần giải quyết trong kỳ giám sát, được chia thành 163 nội dung, trong đó nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh là 142, còn lại thuộc UBND cấp huyện. Trong số này, có 42 nội dung UBND tỉnh đã thực hiện giải trình, thông tin đến cử tri. Số còn lại, sau khi tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tập trung giải quyết. Tuy nhiên, số các ý kiến, kiến nghị giải quyết xong chưa cao và đạt thấp hơn so với kỳ giám sát cuối năm 2019. Nhiều kiến nghị đã kéo dài qua nhiều kỳ họp HĐND tỉnh nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Một số kiến nghị nội dung trả lời chưa xác định được lộ trình, thời gian hoàn thành và phương hướng giải quyết; một số ý kiến trả lời chưa đúng trọng tâm; công tác tuyên truyền, phổ biến và thông tin về kết quả giải quyết chưa được quan tâm đúng mức nên vẫn còn tình trạng ý kiến, kiến nghị đã được giải quyết, trả lời hoặc chính sách có liên quan đã được ban hành nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị…

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã thông tin, giải trình thêm quá trình, kết quả và cả những khó khăn trong việc giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri đã tồn tại qua nhiều kỳ họp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Hoàng Sơn cho rằng, UBND tỉnh cần quan tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, để không còn tình trạng cử tri kiến nghị nhiều lần, qua nhiều năm mà vẫn chưa đượt xử lý dứt điểm. Cần thiết phải có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của cán bộ được giao giải quyết, tránh tình trạng giao rồi để đó, để rồi kỳ này, kỳ sau, kỳ sau nữa giám sát vẫn không chuyển biến.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Xuân Hòa nhấn mạnh: Giải quyết tốt ý kiến, kiến nghị của cử tri không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn góp phần quan trọng để ổn định xã hội. Vì thế, để chất lượng giải quyết các ý kiến, kiến nghị được nâng cao, đề nghị UBND tỉnh đưa ra lộ trình giải quyết cụ thể đối với từng vấn đề và cần lấy việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí để đánh mức độ hoàn thành công việc của cán bộ và đơn vị được giao giải quyết.

Thu Hằng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/gan-trach-nhiem-cua-can-bo-trong-giai-quyet-kien-nghi-cua-cu-tri-277090-205.html
Zalo