Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Là chủ đề Hội thảo do Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức ngày 15-11. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển ĐHĐN (1994-2024). PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội; TS Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng; GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT và PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Thành ủy viên, Giám đốc ĐHĐN đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo “Gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ” là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp (DN) cùng nhau chia sẻ mối quan tâm, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết hiệu quả, bền vững và thực chất giữa “ba nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Nhà DN) trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN nêu bật tầm nhìn, vai trò, trách nhiệm của ĐHĐN trong việc kết nối các địa phương, DN, nhà trường, các tổ chức có liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, ĐHĐN là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực và quốc gia. Vì thế, ĐHĐN đặc biệt coi trọng chất lượng đào tạo và luôn gắn kết với nhu cầu thị trường, xem chất lượng đào tạo là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ĐHĐN. Việc gắn kết giữa nhà trường và các đối tác trong đào tạo nguồn nhân lực tại ĐHĐN nói riêng, các trường ĐH nói chung đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân, đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh sự gắn kết giữa “ba nhà” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng nói riêng, cả nước nói chung là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học. Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung vào chủ đề chính trên nhiều góc độ khác nhau: Tập trung vào nhu cầu nhân lực từ nhiều góc độ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế và liên kết vùng. Chính sách khuyến khích DN phối hợp với ĐH trong quá trình đào tạo nhằm gắn kết đào tạo và thực tế sử dụng nguồn nhân lực. Trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế, các ngành nghề mới như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn phù hợp với tiềm năng sáng tạo của người miền Trung. Từ tiềm năng vùng, phát triển các ngành kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đáp ứng bối cảnh phát triển mới một cách bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, trong 30 năm qua, ĐHĐN là ĐH vùng đã có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ nhu cầu phát triển của các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói riêng, cả nước nói chung. Trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm QPAN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt Nghị quyết 43 và Kết luận 79 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng được định vị là trung tâm KT-XH lớn của khu vực, tập trung vào phát triển các lĩnh vực: Dịch vụ chất lượng cao gắn với du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản; Logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu thương mại tự do; CNTT gắn với điện tử viễn thông và nền kinh tế số; đặc biệt 2 lĩnh vực mới là công nghệ bán dẫn trí tuệ nhân tạo và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho rằng, đối với định hướng phát triển KT-XH nêu trên thì ĐHĐN, các trường thành viên, các khoa, ngành trực thuộc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng trong thời gian tới…
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, kết quả của hội thảo sẽ cung cấp thêm những cơ sở lý luận và thực tiễn; đề xuất, hiến kế với các Bộ/ngành trung ương, nhất là Bộ GD-ĐT và các địa phương trong khu vực tham khảo để tham mưu cho Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ cho sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.