Gắn kết hộ: Mô hình kiểu mẫu ở vùng biên giới Bắc Tây Nguyên

Chiều 5/5, tại huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai), Binh đoàn 15 tổ chức đánh giá hiệu quả mô hình gắn kết bền chặt giữa hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương (gọi tắt là mô hình 'Gắn kết hộ').

Được nhân rộng và củng cố suốt 20 năm, đến nay mô hình này đã trở thành mô hình kiểu mẫu trên vùng biên giới Bắc Tây Nguyên, giúp thế trận toàn dân thêm vững chắc.

Mô hình "gắn kết hộ" là sáng tạo trong công tác dân vận của đơn vị quân đội, góp phần xây dựng khu vực biên giới ổn định, phát triển toàn diện. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Mô hình "gắn kết hộ" là sáng tạo trong công tác dân vận của đơn vị quân đội, góp phần xây dựng khu vực biên giới ổn định, phát triển toàn diện. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Ra đời từ năm 2006 tại Công ty 74 với 30 cặp hộ, đến nay mô hình đã nhân rộng toàn Binh đoàn 15 với 4.269 cặp hộ ở 271 làng, bản dọc 251km biên giới khu vực Bắc Tây Nguyên. Qua đó, cụ thể hóa phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; Đội sản xuất gắn với thôn, làng” của Đảng ủy Binh đoàn 15, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và nhu cầu gắn bó đời sống giữa các hộ gia đình người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều già làng, trưởng thôn, người uy tín cùng với người dân tham gia đánh giá hiệu quả của mô hình. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Nhiều già làng, trưởng thôn, người uy tín cùng với người dân tham gia đánh giá hiệu quả của mô hình. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

20 năm triển khai, mô hình giúp chủ trương của Đảng lan tỏa tự nhiên vào nhân dân thông qua những việc làm thiết thực như “no đói giúp nhau”, “sướng khổ cùng nhau”, hình thành nội lực đẩy lùi âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Qua đó, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biên giới. Với mô hình này, nhiều hộ đã có thu nhập 200–300 triệu đồng/năm, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, xóa bỏ tập tục lạc hậu, giảm rõ rệt tình trạng bỏ học, vượt biên trái phép.

Ông Rah Lan Đin - xã Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: “Anh em mình gắn kết với nhau, thường xuyên thăm hỏi nhau. Có gì khó, mình báo em Duy (hộ người Kinh gắn kết với gia đình ông Đin), em Duy giúp đỡ cho, như bón phân, chăm sóc cây trồng, hoặc cắt cành cà phê. Mình chưa hiểu mình báo thì em chỉ bảo cho mình, sau này còn nhờ nhau, Duy và Đin gắn bó với nhau hơn nữa để cùng phát triển kinh tế”.

Tại sự kiện, các đại biểu từ các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 cùng đóng góp ý kiến làm rõ: mô hình đã củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước và Quân đội; đồng bào gắn bó với đất đai, công việc, chủ động ngăn chặn sự lôi kéo, xúi giục từ bên ngoài. Các đại biểu cũng rút ra nhiều kinh nghiệm về sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, người uy tín, quán triệt phương châm “giúp dân chính là giúp mình”. Thực tế 20 năm triển khai mô hình “Gắn kết hộ” cho thấy sự sáng tạo trong công tác dân vận của đơn vị quân đội, góp phần xây dựng khu vực biên giới ổn định, phát triển toàn diện.

Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ - Tư lệnh, Phó Bí thư đảng ủy Binh đoàn 15 khẳng định: "Thông qua gắn kết như thế thì người Kinh và người đồng bào dân tộc thiểu số coi nhau như anh em ruột thịt, như cây một gốc, như con một nhà; tuyên truyền giúp nhau hiểu văn hóa của nhau, hiểu về pháp luật của nhà nước, hiểu nét tinh hoa văn hóa mới và cách canh tác để sản xuất có năng suất chất lượng, hiệu quả ; làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật để cuộc sống thay đổi cơ bản, toàn diện và vững chắc".

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/gan-ket-ho-mo-hinh-kieu-mau-o-vung-bien-gioi-bac-tay-nguyen-post1197176.vov
Zalo