Gắn kết để giải quyết việc làm cho người lao động

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã triển khai hợp tác với doanh nghiệp (DN) góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, mối quan hệ này cần có những giải pháp phù hợp để tạo ra sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa nhằm tạo việc làm bền vững cho học viên, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị chia sẻ về gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp -Ảnh: TÚ LINH

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị chia sẻ về gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp -Ảnh: TÚ LINH

Hoạt động gắn kết GDNN với DN trong những năm qua được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị luôn coi trọng. GDNN thu hút được sự quan tâm của nhiều DN, đồng hành nâng cao chất lượng đào tạo, tạo được việc làm bền vững cho học viên, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Việc DN hợp tác với cơ sở GDNN giúp mở ra cơ hội cho học sinh, sinh viên được tiếp cận công nghệ, thực hành tay nghề. Có nhiều DN đã hợp tác tốt với các cơ sở GDNN như: Công ty may Hòa Thọ; Công ty Cổ phần may mặc Miền Trung, Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị...

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Lê Nguyên Hồng, kể từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực, hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh có thay đổi mạnh mẽ từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở GDNN, các DN.

Mối quan hệ của cơ sở GDNN với DN bước đầu được hình thành. Các cơ sở GDNN cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác gắn bó với DN là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo của đơn vị và chất lượng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Tuy nhiên, nếu xét trên diện rộng, sự hợp tác của các DN với cơ sở GDNN là chưa cao. Qua thống kê sơ bộ cho thấy, giai đoạn 2016-2023, có khoảng 70% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm nhưng chỉ có 49% làm việc đúng chuyên ngành đào tạo. Kết quả này phản ánh sự “lệch pha” trong đào tạo và nhu cầu xã hội của địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng mất cân đối về nhân lực, gây lãng phí về nguồn lực của xã hội.

Nguyên nhân của thực trạng trên trước hết do hệ thống mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh mỏng, số lượng các cơ sở GDNN tư thục chưa nhiều, trong khi công tác xã hội hóa đào tạo nghề còn hạn chế, chưa thu hút được sự tham gia của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Các ngành nghề đào tạo tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh chưa thật sự đa dạng nên chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN.

Qua nắm số liệu khảo sát tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, phần lớn các dự án đang ở giai đoạn đầu tư nên DN chưa có kế hoạch tuyển dụng cụ thể các vị trí, ngành nghề, trình độ, mà chỉ đưa ra con số chung; hoặc một số dự án chưa triển khai thực hiện dẫn đến các cơ sở GDNN bị động trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN. Cùng với đó là DN và cơ sở GDNN chưa xây dựng được chương trình đào tạo riêng cho DN, chỉ dựa trên các ngành nghề cơ sở có sẵn. Kiến thức của học viên, học sinh, sinh viên nhận được sau khi ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng nên phải đào tạo lại.

Theo ông Lê Nguyên Hồng, để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngày càng có nhiều biến động trong bối cảnh Quảng Trị đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai các dự án lớn trên địa bàn, thì mối gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và DN, thị trường lao động là hết sức quan trọng. Để làm tốt việc này cần có những giải pháp đồng bộ.

Trong đó, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1967/KH-UBND ngày 8/5/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 ”; chú trọng việc đưa chỉ tiêu phân luồng vào các chỉ tiêu và kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

Đẩy mạnh công tác liên thông, liên kết đào tạo thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN ngoài tỉnh đến tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh nhằm đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo giúp người học có nhiều sự lựa chọn hơn.

Như vậy từng bước sẽ bù đắp được các ngành nghề hiện tỉnh còn thiếu, nhất là các ngành nghề trọng điểm, ngành nghề chất lượng cao mà các DN đang có nhu cầu tuyển dụng. Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia GDNN. Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ công tác đào tạo nghề.

Các cơ sở GDNN cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các DN, ký kết các thỏa thuận hợp tác với DN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Xây dựng dữ liệu học sinh, sinh viên tốt nghiệp hằng năm cung cấp cho các đơn vị tuyển dụng. Giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp cho học viên, học sinh, sinh viên.

Về phía DN cần thành lập bộ phận đào tạo làm đầu mối gắn kết với cơ sở GDNN. Hằng năm, DN cần có thống kê nhu cầu sử dụng lao động mới, cũng như nhu cầu đào tạo lại để cơ quan chức năng thống kê và giúp cho cơ sở GDNN tổ chức tuyển sinh, xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo. DN cũng cần có chính sách hỗ trợ tài chính để thực hiện công tác đào tạo.

Có thể khẳng định mối gắn kết bền vững giữa cơ sở GDNN và DN có vị trí quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của cơ sở GDNN, để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đầu vào của DN. Vì vậy, xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa cơ sở GDNN và DN trong việc phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội.

Hồng Phúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gan-ket-de-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-188697.htm
Zalo