Gan hỏng nặng vì sai lầm khi tự điều trị viêm gan B

Đi khám phát hiện bị viêm gan B, đã chuyển sang xơ gan nhưng người phụ nữ ở Hòa Bình không uống thuốc do bác sĩ kê mà tự dùng thuốc nam điều trị.

 Sau khi uống thuốc nam 10 ngày, bà H. bắt đầu xuất hiện vàng da, ăn kém, bụng chướng to. Ảnh: BVCC.

Sau khi uống thuốc nam 10 ngày, bà H. bắt đầu xuất hiện vàng da, ăn kém, bụng chướng to. Ảnh: BVCC.

Bà B.T.H., 47 tuổi, ở Lạc Sơn, Hòa Bình, từ lâu không đi kiểm tra sức khỏe nên không biết mình mắc bệnh viêm gan virus type B. Khoảng tháng 8, người phụ nữ xuất hiện bụng chướng tăng dần, đi khám mới phát hiện bị viêm gan B và đã chuyển sang xơ gan.

Tuy nhiên, bệnh nhân không uống thuốc do bác sĩ kê mà tự mua thuốc nam không rõ nguồn gốc uống để điều trị. Sau khi uống thuốc nam 10 ngày, bà H. bắt đầu vàng da, vàng mắt tăng dần, mệt mỏi, ăn kém, bụng chướng to.

Ngày 4/9, bà đến cơ sở y tế địa phương điều trị với tình trạng xơ gan cổ trướng, chức năng gan còn 15% nên được tiến hành hút dịch ổ bụng.

Đến ngày 16/9, bệnh nhân được chuyển đến khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong tình trạng rất nặng suy gan nặng, viêm phổi, men gan tăng cao gấp hơn 11 lần, tình trạng vàng da, vàng mắt rõ rệt. Chức năng gan chỉ còn đạt được 13,6% và có nguy cơ hôn mê gan rất cao.

Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân xuất hiện rối loạn ý thức, lơ mơ nên được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực, phải đặt ống thở máy. Tuy nhiên, bà H. không đáp ứng với thuốc điều trị, diễn biến bệnh trở nên nguy kịch hơn. Gia đình xin chuyển bệnh nhân về chăm sóc tại nhà.

 Bà H. nhập viện trong tình trạng suy gan nặng, viêm phổi, men gan tăng cao gấp hơn 11 lần, tình trạng vàng da, vàng mắt rõ rệt. Ảnh: BVCC.

Bà H. nhập viện trong tình trạng suy gan nặng, viêm phổi, men gan tăng cao gấp hơn 11 lần, tình trạng vàng da, vàng mắt rõ rệt. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Nguyễn Quang Huy, khoa Viêm Gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân mắc viêm gan B nhưng không điều trị nên chuyển biến nặng thành xơ gan cổ trướng. Ở giai đoạn này, bệnh nhân mắc thêm sai lầm là uống thuốc nam để điều trị bệnh, dẫn đến suy gan cấp nặng...

Tương tự bà H. nhưng may mắn hơn, bệnh nhân B.T.Q., 34 tuổi, ở Hòa Bình, không biết mình bị mắc viêm gan B từ bao giờ. Tháng 8/2023, chị thấy mệt mỏi, kém ăn mới đi kiểm tra sức khỏe và phát hiện mắc viêm gan B.

Chị Q. được bác sĩ kê đơn uống thuốc kháng virus định kỳ. Sau 4 tháng dùng thuốc, chị tự ý bỏ để chuyển sang dùng cây cà gai leo, giảo cổ lam, cây an xoa để thải độc gan.

Đến cuối tháng 9/2024, người phụ nữ xuất hiện tình trạng mệt mỏi, ăn kém, vàng da khác thường, được nhập viện gần nhà với chẩn đoán suy gan cấp trên nền viêm gan B.

Sau 5 ngày điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân được chuyển tuyến đến khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với biểu hiện vàng da, vàng mắt tăng gấp hơn 20 lần, suy gan cấp, chức năng gan đạt 49%, chỉ số men gan tăng cao gấp 25 lần bình thường.

Sau 3 tuần điều trị, tình trạng suy gan của bệnh nhân Q. đã được cải thiện hơn. Theo bác sĩ Huy, chị Q. là trường hợp may mắn.

Bác sĩ Huy cho hay người mắc viêm gan B mạn thường thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Do đó, người bệnh thường chủ quan. Nhưng cũng trong thời gian này, bệnh âm thầm tiến triển nặng lên mà người bệnh không hay biết. Chính vì vậy, người mắc viêm gan B cần tuân thủ lịch khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa.

"Điều này rất quan trọng, bác sĩ có thể phát hiện kịp thời giai đoạn bệnh để điều trị, ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan, và ung thư gan xảy ra. Hiện tại, thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan B là các thuốc kháng virus giúp ức chế virus viêm gan B. Người dân cần trao đổi với bác sĩ để có được cách thức điều trị phù hợp", BS Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gan-hong-nang-vi-sai-lam-khi-tu-dieu-tri-viem-gan-b-post1504289.html
Zalo