Gần dân, sát cơ sở hơn trong quản lý và phục vụ
Cấp cơ sở là cấp hành chính gần dân nhất trong mô hình 2 cấp, giúp phản ánh nhanh và chính xác hơn nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Cho phép chính quyền nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh ở cấp cơ sở, giảm độ trễ trong quản lý hành chính.

Quang cảnh tọa đàm.
Trên đây là một trong những nội dung được nhiều nhà khoa học chia sẻ tại tọa đàm khoa học “Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam và những kiến giải nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hiện nay” do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp Viện Nhà nước và Pháp Luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Phân hiệu Học viện Hành chính và quản trị công tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức ngày 6/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp trực tuyến với điểm cầu Hà Nội.
Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sỹ Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật nhấn mạnh, chính quyền địa phương là thiết chế công quyền gần dân nhất, đảm nhận trọng trách tổ chức thi hành pháp luật, cung ứng dịch vụ công và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ngay tại cộng đồng cư trú. Chính tại cấp độ này, năng lực quản trị, trách nhiệm phục vụ và hiệu quả vận hành của bộ máy nhà nước được thể hiện rõ nét nhất. Vì vậy, việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương luôn giữ vai trò then chốt trong quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Phạm Thị Thúy Nga, mô hình hai cấp - nếu được thiết kế một cách khoa học và phù hợp điều kiện thể chế không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, giảm chi phí hành chính mà còn tạo điều kiện để phân quyền thực chất, củng cố hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tăng cường dân chủ, trách nhiệm giải trình và hiệu quả cung ứng dịch vụ công. Chính vì vậy, đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật tổ chức lại bộ máy mà còn là đột phá chiến lược trong kiến tạo nền quản trị nhà nước hiện đại, hiệu quả và gần dân.
Tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ cho rằng, tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương còn 2 cấp là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, cải cách hành chính, tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu lực - hiệu quả quản lý nhà nước. Quá trình thực hiện cần có nguyên tắc nhưng cũng linh hoạt để phù hợp từng địa phương nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển đất nước, tạo thể chế phát triển mới.

Tiến sỹ Trương Cộng Hòa, Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính và quản trị công tại Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại tọa đàm.
Để thực hiện tốt, hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp ở Việt Nam, các nhà khoa học cho rằng, đầu tiên cần hoàn thiện khung pháp lý và thể chế rõ ràng, đặc biệt là xây dựng, sửa đổi hệ thống luật pháp như, Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức… phù hợp mô hình 2 cấp và theo xu hướng chuyển đối số hiện nay; đồng thời quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa cấp tỉnh và cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu) tránh chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lặp trách nhiệm. Song song đó là ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực, đảm bảo nguyên tắc phân quyền nhưng không buông lỏng kiểm soát.
Việc tiếp theo là cùng tổ chức sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý và hiệu quả, trong đó giao quyền tự chủ cao hơn cho chính quyền cấp xã, phường trong các lĩnh vực như đầu tư công, dịch vụ công, ngân sách địa phương; xây dựng quy trình phối hợp giữa các cấp rõ ràng, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát độc lập và phản hồi từ người dân, doanh nghiệp. Các bên liên quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số và chính quyền điện tử; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng cao; đảm bảo nguồn lực tài chính và cơ chế ngân sách phù hợp; tăng cường sự tham gia của người dân và xã hội.
Các nhà khoa học cho rằng, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới không chỉ cung cấp mô hình tổ chức cụ thể mà còn giúp Việt Nam rút ra nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực và thích ứng. Đó là các nguyên tắc về phân định rạch ròi thẩm quyền giữa các cấp, thiết kế cơ chế phân cấp đi kèm tự chủ và giám sát, sáp nhập hợp lý các đơn vị hành chính trên cơ sở đánh giá năng lực quản trị và nhu cầu phát triển, cũng như củng cố nền tảng dân chủ cơ sở trong vận hành chính quyền. Đây là những nội dung mang tính tham chiếu quan trọng cho quá trình cải cách mô hình chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay và trong giai đoạn tới.
“Chúng ta đang đứng trước một thời điểm bản lề cho cải cách thể chế quản trị địa phương. Thành công của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ không chỉ góp phần hiện thực hóa một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả mà còn tạo lập thế và lực mới cho phát triển nhanh, bền vững, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”, Tiến sỹ Phạm Thị Thúy Nga nhấn mạnh.