Gần dân, lắng nghe dân
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, một nội dung lớn và căn bản trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là về sức mạnh và quyền làm chủ của Nhân dân.
Trong những năm qua, việc học và làm theo tư tưởng của Bác đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp việc “gần dân” của các cấp ủy, chính quyền thêm hiệu quả.
Lắng nghe, giải quyết kịp thời vấn đề dân sinh
Một trong những giải pháp thúc đẩy việc làm theo tư tưởng của Bác về trọng dân, gần dân là thực hiện tốt quy định đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.
Đây là dịp để cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của Nhân dân về các cơ chế, chính sách, những vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện từ cơ sở.
Thực tế tại Hà Nội cho thấy, việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được đưa vào chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó xác định rõ thời gian, địa điểm, nội dung và ngày càng mở rộng về các chuyên đề, thành phần đối thoại.
Trong các cuộc đối thoại, rất nhiều vấn đề đã được đề cập tới, từ vấn đề đất đai, ô nhiễm môi trường, đến cải cách hành chính, các chính sách liên quan đến cơ sở… Các cuộc đối thoại một mặt kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, đồng thời, các cấp ủy, chính quyền có thể thấy rõ người dân đang quan tâm đến vấn đề gì để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Trong năm 2024, tại huyện Chương Mỹ, thông qua tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã kịp thời được làm rõ, để thúc đẩy việc giải quyết như đầu tư công trình thủy lợi, đê điều, nhà văn hóa, điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, đẩy nhanh tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở, giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải phóng mặt bằng, nhất là dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai...
Tại huyện Thường Tín, vấn đề giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phương án xử lý bờ đê sông Nhuệ bị sạt lở; xử lý ngập úng các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp Hà Bình Phương… là những vấn đề chính quyền cùng trao đổi với người dân qua đối thoại.
Tại quận Đống Đa, việc tăng cường công tác quản lý đô thị, quy hoạch; rà soát, xử lý dứt điểm các công trình xây dựng vi phạm; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm… cũng là vấn đề người dân truyền tải tới các cấp chính quyền qua cuộc đối thoại.
Tại nhiều quận, huyện, các cuộc đối thoại chuyên đề đã được tăng cường. Như tại quận Hoàn Kiếm, lần đầu tiên tổ chức đối thoại chuyên đề giữa Thường trực quận ủy với công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn.
Những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của công nhân viên chức, người lao động đã cùng được trao đổi. Hoạt động này cũng đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị; vừa phát huy sáng kiến, sáng tạo động viên công nhân viên chức, người lao động đóng góp trí tuệ tham gia xây dựng quận.
Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, không chỉ dừng ở cấp quận, năm 2024, 8/8 phường trên địa bàn đã tổ chức thành công 15 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phường với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.
Qua đó, các cấp chính quyền đã kịp thời ghi nhận tâm tư, nguyện vọng và ý kiến góp ý của Nhân dân; phát hiện những vấn đề còn vướng mắc phát sinh từ cơ sở để kịp thời giải quyết, tránh tạo điểm nóng.
Thêm những mô hình sáng tạo
Nhiều mô hình sáng tạo để kết nối giữa Đảng, chính quyền và người dân được thực thi đã tránh việc “chính quyền xa dân”. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng liên tục có văn bản, chỉ đạo yêu cầu thực hiện tốt việc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của Nhân dân về công tác quản lý, điều hành, thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức...
Cùng với đó là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng việc bố trí, phân công cán bộ có năng lực, đạo đức công vụ tốt trực tiếp tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối chính quyền với người dân được tăng cường, sau kênh Zalo “Phản ánh kiến nghị TP Hà Nội”, TP đã triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) nhằm tạo lập kênh kết nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, DN; tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị từ người dân một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.
Qua ứng dụng này, cùng với tiếp nhận thông tin, người dân có thể phản ánh, kiến nghị những nội dung bất cập từ ô nhiễm môi trường, giao thông, vấn đề tại nơi mình sống.
Khi nói về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề chính là người lãnh đạo đã nhìn nhận thấu đáo về việc “nghe dân nói, nói cho dân nghe”, đã giúp việc “gần dân” thêm hiệu quả. Bởi thực tế, khi người có thẩm quyền tiếp xúc, trao đổi với dân, cũng là cơ hội để giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, hòa giải, phòng ngừa từ xa các vướng mắc.
Qua đó, góp phần cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.