Gắn chặt quy hoạch từng tuyến metro với mô hình giao thông công cộng

TP Hồ Chí Minh phải gắn chặt quy hoạch từng tuyến metro với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), trong đó cần sự hỗ trợ của các chuyên gia, tư vấn quốc tế nước ngoài.

Trên đây là nội dung được nhiều đại biểu nêu ra tại Tọa đàm khoa học tham vấn phương thức triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh do Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28/5.

Toàn cảnh buổi tọa đàm khoa học phát triển mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm khoa học phát triển mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.

Ông Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí nghiệm một số cơ chế, chính sách đặc quyền phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai xây dựng 355 km đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh đến năm 2035 là một thách thức chưa từng có tiền lệ.

Mỗi năm thành phố phải hoàn thành khoảng 35 km đường sắt đô thị, vì vậy vấn đề này "phải bàn làm không được bàn lùi". Tuy nhiên, phải nêu rõ những khó khăn để tập trung tìm giải pháp thực hiện. Ngoài cơ chế mới từ Nghị quyết 188 cho phép đặc thù, thành phố phải thay đổi về cách làm, phương pháp quản lý, tư duy thực hiện.

Theo ông Lịch, mô hình TOD không phải nơi nào cũng có thể áp dụng, cần lựa chọn kỹ các tuyến, xác định địa bàn khả thi để làm. Thành phố cần gắn chặt quy hoạch từng tuyến metro với mô hình TOD, sử dụng hiệu quả tư vấn trong nước và quốc tế để rút ngắn thời gian. Đồng thời, cần làm chủ công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt, đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ để vận hành hiệu quả.

Để triển khai thành công mô hình TOD, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Thành viên Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP Hồ Chí Minh cho rằng, quy hoạch metro và quy hoạch TOD phải được thực hiện đồng thời, nhất là khi TP Hồ Chí Minh hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Quy hoạch metro trước đây không phải theo TOD, bây giờ cần phải làm lại.

“Rõ ràng chúng ta không có kinh nghiệm làm TOD, vậy thì trong nhóm tư vấn cho chúng ta phải có những nhà chuyên gia nước ngoài, có những nhà đầu tư nước ngoài thì ít nhất làm cái tuyến metro mô hình TOD cho bài bản, mình phải mượn đến sự góp sức của họ để làm một tuyến metro TOD bài bản rồi từ đó nhân rộng ra”, ông Sơn chia sẻ.

Việc xây dựng các tuyến metro không cần thiết bám theo các trục giao thông cũ mà có thể mở ra những tuyến giao thông mới, mở ra những đoạn qua không có ai ở nhưng những khu đó lại là quỹ đất để phát triển TOD. Khi đã đầu tư vào 1 vị trí dân cư đông, giá đất cao, đền bù giải tỏa vốn rất lớn, thời gian kéo dài, nhưng nếu làm ở nơi đã có quỹ đất sẵn thì sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn.

Ông Hồ Ngọc Nghĩa, Phó Trưởng phòng Quản lý đường sắt đô thị, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, đến năm 2035 xây dựng 7 tuyến metro, dài tổng cộng 355 km, với tổng vốn đầu tư khoảng 40,2 tỷ USD; giai đoạn 2045 tiếp tục mở rộng thêm 3 tuyến mới, dài 155 km, tổng vốn khoảng 17,9 tỷ USD. Để đạt được các mục tiêu này, thành phố dự kiến huy động nguồn vốn rất lớn, trong đó tập trung chủ yếu ngân sách thành phố, vay tín dụng, trái phiếu chính quyền địa phương, hợp tác công tư (PPP), cùng các nguồn hỗ trợ khác từ trung ương và quốc tế.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, hệ thống quy hoạch (quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất,...) còn thiếu sự đồng bộ, chồng chéo, dẫn đến khó khăn trong việc tích hợp và điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với định hướng TOD. Khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch, việc xử lý thường tốn thời gian và làm chậm tiến độ dự án. Các quy định về hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực TOD chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia, đặc biệt là trong các dự án đường sắt đô thị đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài.

Để tháo gỡ những khó khăn này, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp; trong đó, cần thực hiện đồng bộ từ việc hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao năng lực và huy động đa dạng nguồn lực; đồng thời có lộ trình rõ ràng cho việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng.

Tin, ảnh: Linh Sơn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/gan-chat-quy-hoach-tung-tuyen-metro-voi-mo-hinh-giao-thong-cong-cong-20250528154555200.htm
Zalo