Gắn bó nghề đan đèn lồng với đôi tay tật nguyền

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh năm 1972 trong một gia đình thuần nông ở thôn Phú Đa, xã Yên Mỹ (Nông Cống). Sau khi xây dựng gia đình, chị cần mẫn chăn nuôi, trồng trọt, nhờ đó kinh tế gia đình khá ổn định. Là người năng động, ngoài việc nhà, chị đã xin làm việc tại xưởng gỗ ở thôn Đồng Lẫm, xã Thanh Tân (Như Thanh). Vào năm 2018, tai họa đã ập đến với chị, khi đang xay dăm, chị bị máy xay cuốn làm mất đi một phần cánh tay phải.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền thôn Phú Đa, xã Yên Mỹ (Nông Cống) đan đèn lồng.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền thôn Phú Đa, xã Yên Mỹ (Nông Cống) đan đèn lồng.

Lúc ấy, chị hoàn toàn suy sụp. Trải qua thời gian dài điều trị, chị nghĩ, mình không được nản chí, dù thế nào cũng không được khuất phục trước hoàn cảnh. Khi vết thương dần bình phục, chị lại tiếp tục trồng lúa, trồng bí, trồng ngô, chăn nuôi để duy trì kinh tế gia đình.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, chị Huyền lại ngậm ngùi, nước mắt trực trào trên khuôn mặt. Song, tai họa đối với chị không chỉ dừng lại ở đó. Đến năm 2020, chồng chị bị bệnh nặng, nằm liệt một chỗ. Trong khi đó, hai con của chị, đứa đi làm, đứa đi học. Với đôi tay không lành lặn vừa chăm sóc chồng, vừa lo việc đồng áng. Sau gần 4 năm nằm liệt, chồng chị qua đời vào tháng 7/2024. Chị lại một lần nữa vừa gánh chịu nỗi đau thể xác, vừa gánh chịu nỗi đau tinh thần.

Đi qua những tháng ngày “giông bão”, vượt lên nỗi đau, chị lại quyết tâm đứng lên, nhìn về phía trước. Cuối tháng 9/2024, khi hay tin Hội LHPN xã Yên Mỹ phối hợp với HTX Huyền Ngân, xã Tượng Sơn tổ chức lớp dạy nghề đan đèn lồng xuất khẩu, chị đã đăng ký tham gia. Chỉ sau một thời gian ngắn học nghề, chị Huyền nhanh chóng thành thạo, cho ra các sản phẩm đẹp mắt. Chị Huyền chia sẻ: “Cuộc sống vốn đã bất hạnh với mình, thì mình phải nỗ lực cố gắng. Bản tính thích khám phá, tìm tòi, nên tôi quyết tâm học bằng được nghề đan đèn lồng để tăng thêm thu nhập”.

Nghề đan đèn lồng yêu cầu sự tỉ mỉ của 10 đầu ngón tay. Ban đầu, chị nhìn các chị em trong xã làm, và nảy ra một ý tưởng, dùng vỏ chai nước ngọt (chai loại nhỏ), thiết kế một mấu thép và úp vào phần khiếm khuyết của cánh tay phải. Mấu sắt đó thay cho những ngón tay mà chị không có được. Sáng tạo đó của chị nhanh chóng giúp chị thành thạo nghề, hiện mỗi ngày, tranh thủ lúc nhàn rỗi, chị đan được từ 5 – 6 chiếc cổ đèn lồng, thu nhập khoảng 50 nghìn đồng/ngày trở lên. Thu nhập tuy không nhiều, nhưng với chị, đó là cả một sự nỗ lực, một niềm mơ ước để chị tự khẳng định ý chí, nghị lực của mình.

Ngoài đan đèn lồng, chị còn trồng 3 sào hoa Thiên Lý, nuôi 5 con lợn nái, 12 con lợn thịt. Hàng ngày, chị vẫn dùng chiếc xe đạp cũ đưa đón cháu đi học. Chị cũng tích cực tham gia các hoạt động do Chi hội phụ nữ thôn Phú Đa cũng như Hội phụ nữ xã Yên Mỹ phát động. Công việc bận rộn và “mái nhà chung” tổ chức hội đã giúp chị nguôi ngoai đi phần nào những bất hạnh, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Bài và ảnh: Hoàng Yến

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/gan-bo-nghe-dan-den-long-voi-doi-tay-tat-nguyen-234474.htm
Zalo