Gần 80% người đã nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm qua tài khoản
Việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên toàn quốc ở cả khu vực đô thị và nông thôn đã có sự phát triển vượt bậc, tăng lên 78% vào thời điểm cuối năm 2024...
![Người hưởng làm thủ tục mở tài khoản nhận chế độ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm. Ảnh: Duy Nguyễn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_3_51419448/deee8a3db3735a2d0362.jpg)
Người hưởng làm thủ tục mở tài khoản nhận chế độ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm. Ảnh: Duy Nguyễn.
Bảo hiểm xã hội Viêt Nam cho biết tiếp tục thực thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã có hiệu quả trong các năm trước.
Đơn cử như giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị năm 2024 cho Bảo hiểm xã hội các cấp; tập trung khai thác tối đa các nhóm người hưởng tiềm năng.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng,…
Đặc biệt, giải pháp phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là giải pháp mang tính đột phá trong việc tăng tỷ lệ người hưởng nhận chế độ qua tài khoản cá nhân, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng, tăng cường hiệu quả trong quản lý người hưởng.
Kết quả chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị năm 2024 đạt hơn 80%, vượt hơn 20% chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg.
Trong đó, nhóm người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần và trợ cấp thất nghiệp (chủ yếu những người thuộc độ tuổi lao động) nhận qua tài khoản cá nhân đã đạt gần 100%. Nhóm người hưởng các chế độ hàng tháng tăng mạnh so với năm 2023.
Việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên toàn quốc (cả khu vực đô thị và nông thôn) có sự phát triển vượt bậc, tăng từ 40% người hưởng nhận chế độ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân (tháng 3/2024) lên 78% (tính đến hết tháng 12/2024).
Nhiều địa phương đã đạt tỷ người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân cao như: Hà Nam (99,99%), Hà Tĩnh (99,5%), Hà Nội (99,2%), Hải Phòng (98,6%), Điện Biên (98,4%), Hưng Yên (97,1%), Vĩnh Long (95%), Bắc Giang (94,5%), Bắc Ninh (93,8%), Nghệ An (92,3%), Bình Dương (92,3%),...
Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương đã có chuyển biến nhưng tỷ lệ người hưởng nhận chế độ qua tài khoản cá nhân so với mặt bằng chung toàn quốc còn hạn chế như: Thanh Hóa (39,3%), Cao Bằng (39,7%), Bắc Kạn (41,9%), Hòa Bình (47,1%), Ninh Bình (47,8%).
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội thông qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân có thể nhận tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng mà không cần đến các điểm chi trả, giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại.
Đặc biệt, hạn chế rủi ro mất cắp hoặc nhầm lẫn khi nhận tiền mặt, đặc biệt với người cao tuổi và những người sống ở vùng sâu, vùng xa. Người dân có thể sử dụng tài khoản để thực hiện các giao dịch thanh toán, gửi tiết kiệm hoặc đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thanh toán không dùng tiền mặt giúp cơ quan Bảo hiểm xã hội giảm thiểu các sai sót, gian lận hoặc thất thoát trong quá trình chi trả. Tự động hóa trong khâu chi trả giúp tiết kiệm nguồn lực, giảm gánh nặng công việc cho cán bộ bảo hiểm xã hội. Hệ thống thanh toán điện tử cho phép kiểm tra, đối soát thông tin giao dịch nhanh chóng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính.
Hạn chế sử dụng tiền mặt cũng giúp tiết kiệm chi phí in ấn, vận chuyển và lưu thông tiền tệ. Thói quen sử dụng các phương thức thanh toán điện tử sẽ giúp người dân thích nghi với xu thế công nghệ, đồng thời thúc đẩy xã hội không tiền mặt trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc thanh toán qua tài khoản cá nhân với hệ thống xác thực điện tử chặt chẽ giúp giảm nguy cơ giả mạo thông tin để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội. Các giao dịch không dùng tiền mặt được lưu trữ và quản lý minh bạch, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các hành vi bất thường.