Gần 600 sản phẩm sữa giả: Ranh giới 'mờ', hệ lụy thật
Sự thiếu rõ ràng trong phân loại, ranh giới mờ giữa các nhóm sản phẩm sữa đã tạo kẽ hở cho doanh nghiệp lợi dụng để lách quy trình cấp phép, tự công bố sản phẩm nhằm tránh kiểm định chặt chẽ.

Cơ quan điều tra thu giữ hàng ngàn hộp sữa giả - Ảnh: Bộ Công an
Đường dây làm giả sữa bột nhắm vào nhóm người bệnh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… với gần 600 sản phẩm, thu lợi tới 500 tỷ đồng trong 4 năm, đang phơi bày một thực tế đáng lo: ranh giới giữa sữa thường, sữa bổ sung vi chất và thực phẩm bảo vệ sức khỏe quá mờ nhạt.
Sự thiếu rõ ràng trong phân loại, ranh giới mờ giữa các nhóm sản phẩm đã tạo kẽ hở cho doanh nghiệp lợi dụng để lách quy trình cấp phép, tự công bố sản phẩm nhằm tránh kiểm định chặt chẽ. Hệ quả là người tiêu dùng – đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm như người bệnh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… chịu thiệt và bị ảnh hưởng.
* Cơ chế tự công bố bị lợi dụng
Theo Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt trời mới, hiện nay, việc cấp phép lưu hành đối với các sản phẩm sữa được quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010, sửa đổi 2018; Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm; Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Theo quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, tùy theo loại sản phẩm sữa, doanh nghiệp sản xuất, gia công sản phẩm sữa thực hiện thủ tục công bố sản phẩm theo hai trình tự: tự công bố sản phẩm; nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm.

Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt trời mới. Ảnh: BNEWWS/TTXVN phát
Phân tích thêm, Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc khối luật của Công ty Luật SBLAW nêu, sản phẩm sữa thông thường gồm các loại: sữa tươi, sữa bột, sữa đặc, sữa hoàn nguyên..., doanh nghiệp chỉ cần thực hiện thủ tục “tự công bố sản phẩm” theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Sau khi công bố, doanh nghiệp được phép lưu hành sản phẩm và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung công bố.
Còn với sản phẩm sữa có bổ sung vi chất – thực phẩm chức năng – thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm có bổ sung DHA, canxi, lợi khuẩn, chất xơ, vitamin... và thường được tiếp thị là hỗ trợ phát triển trí não, tăng đề kháng, tốt cho tiêu hóa… thì theo quy định của pháp luật, các sản phẩm này được xếp vào nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nên phải đăng ký bản công bố sản phẩm tại Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế trước khi lưu hành theo điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Cơ quan chức năng thẩm định trước rồi mới cho phép lưu hành, khác với nhóm sản phẩm sữa thông thường.
Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy, chính ở những sản phẩm mang tính năng của thực phẩm chức năng nhưng lại được công bố như thực phẩm thường – là điểm nóng của tình trạng lách luật.
Luật sư Thành chỉ ra một thực tế, hiện nay quy trình cấp phép với sữa “lai” chức năng vẫn còn kẽ hở, chưa đủ chặt chẽ, nhất là ở khâu phân loại và hậu kiểm. Nếu không được hoàn thiện sớm, sẽ dẫn đến rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng và bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nghiêm túc và "lách luật".
Trong thực tế, nhiều sản phẩm sữa hiện nay không còn thuần túy là thực phẩm, mà có thành phần bổ sung vi chất, thậm chí tác dụng sinh học rõ rệt trong khi không có tiêu chí rõ ràng để phân loại sản phẩm “lai” nên doanh nghiệp dễ “lách luật” để tự công bố thay vì đăng ký thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Việc thiếu quy chuẩn kỹ thuật riêng cho sữa chức năng dẫn đến việc áp dụng quy chuẩn chung, gây khó khăn trong kiểm nghiệm – thẩm định – quản lý.
Một lỗ hổng lớn khác nằm ở điều kiện công bố được Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà chỉ ra, đó là pháp luật chỉ yêu cầu có "tài liệu khoa học chứng minh công dụng", nhưng không quy định rõ tiêu chuẩn thẩm định chất lượng của tài liệu đó. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp dẫn tài liệu không kiểm chứng được, hoặc dùng tài liệu sơ sài, dịch từ nước ngoài do vậy rất khó xác minh.
Quy trình kiểm nghiệm chủ yếu là định lượng – chưa đủ để chứng minh hiệu quả thực tế. Cơ chế tự công bố sản phẩm lỏng lẻo dẫn đến dễ dàng quảng cáo gian dối, nhất là dùng người nổi tiếng quảng cáo để "thổi phồng công dụng", gây tác hại khôn lường.
Thêm vào đó, cơ chế hậu kiểm chưa mạnh. Sau khi cấp phép, cơ quan chức năng chủ yếu kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc phản ánh dẫn đến mang tính bị động. Với số lượng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe lớn, nguồn lực hậu kiểm khó bao phủ hết thị trường.
Luật sư Thành cho rằng, hiện đang tồn tại tình trạng “mỗi bộ một vai” trong cấp phép và quản lý. Việc tiếp nhận, thẩm định cấp giấy chứng nhận tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm sữa thuộc cấp có thẩm quyền của ngành y tế, nhưng việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc cấp có thẩm quyền của ngành công thương. Quản lý sản phẩm lưu hành trên thị trường thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường; việc kiểm tra thông quan nhập khẩu thuộc thẩm quyền hải quan trên cơ sở giấy phép nhập khẩu chuyên ngành của Bộ Y tế. Chính sự phân mảnh này tạo ra kẽ hở cho các hành vi gian dối.
*Bịt “lỗ hổng”
Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường sữa – đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ, người bệnh, người cao tuổi – ngày càng đa dạng nhưng lại tồn tại nhiều khoảng trống trong kiểm soát chất lượng và quảng cáo, Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà nhấn mạnh, để bịt những “lỗ hổng” trong pháp luật, cần được triển khai đồng bộ các giải pháp mà trước tiên, cần siết chặt ngay từ khâu phân loại và cấp phép sản phẩm.
Cần có tiêu chí phân loại rõ ràng hơn trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP (hoặc ban hành nghị định riêng cho nhóm sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt). Bắt buộc đăng ký bản công bố tại Bộ Y tế đối với mọi sản phẩm sữa dành cho đối tượng nhạy cảm (trẻ nhỏ, người bệnh, người cao tuổi), thay vì chỉ yêu cầu tự công bố như hiện nay, đồng thời nâng cao chuẩn mực thẩm định chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, cần phải có quy định bắt buộc có nghiên cứu lâm sàng, đặc biệt với sản phẩm dành cho trẻ dưới 6 tuổi hoặc người bệnh. Với sản phẩm sữa nhập khẩu, phải yêu cầu thêm giấy phép lưu hành và đánh giá an toàn từ nước xuất xứ, thay vì chỉ dựa vào giấy chứng nhận lưu hành tự do.
Cuối cùng, theo Luật sư Hà, cần quản lý chặt hoạt động tiếp thị, quảng cáo và hậu kiểm với việc yêu cầu mọi nội dung quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt phải được thẩm định trước khi phát sóng, đăng tải với cơ chế tương tự như thuốc. Cá nhân quảng cáo phải được ràng buộc trách nhiệm, nếu họ đưa ra phát ngôn không đúng với bản công bố hoặc giấy phép sản phẩm. Việc tăng cường hậu kiểm ngẫu nhiên cũng rất quan trọng, nhất là với các dòng sữa dành cho trẻ em – đối tượng rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi dùng sản phẩm không phù hợp.
Ở bình diện rộng hơn, vấn đề sữa giả không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế. Hàng giả, theo Luật sư Thành, làm tổn thất cho kinh tế toàn cầu khoảng 500 tỷ USD/năm. Nhưng thiệt hại thực tế còn lớn hơn rất nhiều – bởi nó đánh thẳng vào niềm tin xã hội và đạo đức kinh doanh.
Giải pháp lâu dài, theo ông Thành phải kết hợp đồng bộ: hoàn thiện pháp lý, nâng cao hậu kiểm, xử lý mạnh tay tổ chức sản xuất hàng giả. Công nghệ có thể hỗ trợ hiệu quả – từ RFID, Blockchain, đến các kỹ thuật chống làm giả tiên tiến. Luật sư Thành cũng nêu ý kiến cần thúc đẩy sản xuất có đạo đức thông qua các hoạt động hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh có đạo đức và bền vững qua đó có thể giúp hạn chế hàng giả.
Vụ việc gần 600 loại sữa giả không chỉ là hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng trong quản lý mà còn đặt ra vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tính cấp bách của việc đồng bộ giữa khung pháp lý, cơ chế thực thi và trách nhiệm của doanh nghiệp - cá nhân có sức ảnh hưởng (KOL) - người tiêu dùng. Thêm vào đó, rất cần sự vào cuộc, giám sát chặt chẽ của toàn xã hội để ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai.