Gần 600 loại sữa giả bày bán công khai, có lỗ hổng quản lý không?

Đề cập đến vụ việc gần 600 loại sữa giả được bày bán công khai trên thị trường suốt 4 năm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải băn khoăn, liệu có tồn tại những lỗ hổng, khoảng trống trong công tác quản lý không?

Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho biết, trong năm 2024, hoạt động giám sát văn bản tiếp tục được triển khai theo đúng quy định. Tuy nhiên, giám sát của một số cơ quan vẫn chủ yếu dựa trên báo cáo, phản ánh; chưa chủ động phát hiện, kịp thời kiến nghị xử lý đối với văn bản có nội dung chưa phù hợp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình.

Cũng theo ông Bình, vẫn còn 35 nội dung quy định chi tiết thi hành của 14 luật, 2 pháp lệnh chưa được ban hành, trong đó có nội dung đã "nợ đọng" hơn 10 năm và đã nhiều lần kiến nghị; có 4 văn bản có nội dung quy định không phù hợp, chưa bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất.

Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, bảo đảm các luật, pháp lệnh, nghị quyết được ban hành có tính ổn định, lâu dài, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, có những văn bản 10 năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa ban hành, như văn bản quy định chi tiết khoản 7, Điều 50 của Luật Người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

"Giả sử, quy định này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật từ 10 năm nay, thì đánh giá ảnh hưởng của việc này như thế nào?", bà Hải nói và đề nghị báo cáo cần có kiến nghị xử lý hoặc yêu cầu trong thời hạn bao nhiêu, hoặc có cách thức xử lý mạnh hơn.

 Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH

Rà soát, bịt lỗ hổng pháp lý

Nhắc đến vụ việc gần 600 loại sữa giả được bày bán công khai trên thị trường suốt 4 năm qua, bà Hải băn khoăn, liệu có tồn tại những lỗ hổng, khoảng trống trong công tác quản lý và trong các văn bản pháp lý không?

Trên phương tiện thông tin đại chúng, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nói chỉ quản lý đối với các loại sữa bình thường, còn sữa có vi chất thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Trong khi, Bộ Y tế phản biện, phải có trong kế hoạch kiểm tra... Theo bà Hải, qua phản ánh của cử tri và nhân dân thấy rằng, ở đây có khoảng trống pháp lý trong việc quản lý thị trường sữa.

"Không chỉ sữa giả mà người ta ghi cả nhãn mác, quảng cáo bán trong 4 năm liền, người tiêu dùng không kiểm chứng được đã sử dụng, ảnh hưởng như vậy thì văn bản pháp luật có lỗ hổng hay không? Tôi đề nghị trong báo cáo cần có mục phân tích thêm, kiến nghị các cơ quan bổ sung.

Những loại sữa này toàn dùng cho người già, người bị ung thư, trẻ em, bà mẹ mang thai... Người dân tin tưởng như thế, chưa nói việc người nổi tiếng tham gia quảng cáo, trách nhiệm đến đâu cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, nhưng việc bày bán công khai như vậy thì có lỗ hổng pháp lý hay không, đề nghị các đồng chí rà soát", bà Hải thẳng thắn nêu rõ.

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, sữa thuộc về lĩnh vực xã hội và tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Theo đúng phân định trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Ủy ban Văn hóa - Xã hội, nếu chưa làm thì đề nghị làm và có báo cáo.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát sẽ theo dõi, đôn đốc, nếu không được thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lúc đó mới xem xét trách nhiệm của Ủy ban Văn hóa - Xã hội.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gan-600-loai-sua-gia-bay-ban-cong-khai-co-lo-hong-quan-ly-khong-post1734323.tpo
Zalo