Gần 600 loại sữa bột bị làm giả: Những nguy hại khó lường với người sử dụng
Gần 600 loại sữa được sản xuất giả nhắm đến người bệnh, phụ nữ mang thai và trẻ em vừa bị lực lượng Công an triệt phá đã gây xôn xao dư luận. Đánh vào tâm lý của người bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai, trẻ em thấp còi, lại dùng người nổi tiếng để quảng cáo tràn lan trên các nền tảng, trong 4 năm qua, gần 600 loại sữa bột giả này đã tiêu thụ khắp cả nước, bán cho hàng trăm nghìn người tiêu dùng, thu lợi gần 500 tỷ đồng.
Rất nhiều người bệnh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai sử dụng các loại sữa này đang lo lắng liệu nó gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe, tính mạng hay không?
Chất lượng dinh dưỡng chỉ đạt 70% gây hại gì?
Theo Cơ quan điều tra, từ tháng 8/2021 đến nay, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma đã sản xuất kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại, thu lợi gần 500 tỷ đồng. Nguy hiểm ở chỗ, một số nhãn sữa đã được nghệ sĩ, MC, diễn viên… nổi tiếng quảng cáo rầm rộ làm cho người tiêu dùng tin tưởng. Các loại sữa bột giả được quảng cáo là phân phối khắp cả nước, từ cửa hàng bỉm sữa đến các siêu thị, cơ sở y tế với thành phần “cao cấp” như sữa non, DHA, vitamin, khoáng chất, colostrum… Nhiều phụ huynh sau khi xem diễn viên nổi tiếng quảng cáo sữa Cilonmum tốt cho trẻ em nên mua về cho con uống và đang lo lắng khi con uống phải sữa giả ảnh hưởng sức khỏe.

Sữa giả được sản xuất và tung ra thị trường số lượng cực lớn.
Ngay sau khi 8 đối tượng bị bắt, website và fanpage của các công ty hiện đều không thể truy cập. Trên sàn thương mại điện tử nhiều sản phẩm được xóa khỏi gian hàng. Cùng đó, hình ảnh người nổi tiếng từng quảng cáo cho các nhãn sữa cũng đã được gỡ bỏ. Theo cơ quan Công an, các thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế hoàn toàn không có những chất này trong các loại sữa giả trên. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan Công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Thượng tá, TS Lê Thị Hương Giang, Trưởng khoa Tiết chế Dinh dưỡng, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cho biết: Điều này gây nguy hại cho người tiêu dùng và rất nghiêm trọng, đặc biệt với các nhóm người có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người già, người bệnh mạn tính hoặc phụ nữ mang thai. Khi thành phần dinh dưỡng không đúng như công bố, người tiêu dùng sẽ không nhận được các lợi ích sức khỏe như kỳ vọng. Ví dụ, không có tổ yến, đông trùng hạ thảo, thì không có tác dụng nâng cao miễn dịch, bồi bổ sức khỏe như quảng cáo. Đây là hành vi gian dối và gây nhầm lẫn nghiêm trọng.
Chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh, việc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và bổ sung phụ gia không được kiểm soát có thể dẫn tới nhiều rủi ro như: Dị ứng, ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính; rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, suy gan thận. Về lâu dài, nguy cơ tích lũy kim loại nặng, chất độc, ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh, nhất là ở trẻ em. Đặc biệt, khi chất lượng dinh dưỡng chỉ đạt dưới 70%, sữa không còn là nguồn cung cấp năng lượng và vi chất đúng chuẩn. Người sử dụng, đặc biệt là người bệnh, có thể bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu, làm nặng hơn tình trạng bệnh lý nền. Nguy hiểm hơn, các tổn thương xảy ra có thể âm thầm kéo dài, đến khi phát hiện thì đã muộn.
TS Lê Thị Hương Giang nhấn mạnh, nếu hàm lượng dưỡng chất chỉ đạt 70% so với công bố - nghĩa là giảm gần 1/3 so với nhu cầu - việc uống 3 ly sữa/ngày theo hướng dẫn của nhà sản xuất chỉ mang lại hiệu quả tương đương 2 ly. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh không đạt được mức phục hồi như kỳ vọng, chậm lành thương, chậm tăng cân, hay nguy cơ suy dinh dưỡng bệnh lý dai dẳng. Với các người bệnh nặng đang phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Khâu hậu kiểm có bị buông lỏng?
Hiện nay, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng công thức…tốt cho sức khỏe đang được quảng cáo tràn lan khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”. Theo TS Lê Thị Hương Giang, Bệnh viện 19-8 từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện với biểu hiện rối loạn tiêu hóa, suy kiệt, thậm chí ngộ độc nhẹ sau khi sử dụng sữa dinh dưỡng không rõ nguồn gốc. Điển hình là nữ bệnh nhân (68 tuổi, Hà Nội) mắc tiểu đường, tự mua sữa “xách tay” được giới thiệu có tác dụng ổn định đường huyết, nhưng sau 2 tuần sử dụng đường huyết tăng vọt, phải vào viện cấp cứu. Những trường hợp này đều gây tổn hại không nhỏ đến sức khỏe và tâm lý người bệnh.

TS Lê Thị Hương Giang, Trưởng Khoa Tiết chế Dinh dưỡng, Bệnh viện 19-8.
Vị chuyên gia chia sẻ thêm, với những nhóm người bệnh đặc biệt như tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai, chế độ dinh dưỡng không chỉ là hỗ trợ mà còn là yếu tố then chốt trong điều trị và phát triển. Sữa chuyên biệt cho từng nhóm bệnh này thường được thiết kế với thành phần dinh dưỡng cân đối, lượng đường, đạm, vi chất đều phải chính xác và phù hợp với bệnh lý. Việc sử dụng sữa giả (không đúng thành phần, hàm lượng) có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng như tăng đường huyết mất kiểm soát ở người đái tháo đường, rối loạn điện giải và gánh nặng chuyển hóa ở người suy thận, hay suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng ở trẻ non tháng, thiếu tháng. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai, thiếu hụt các vi chất thiết yếu trong sữa giả có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển não bộ và thể chất của thai nhi, đồng thời có nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng hoặc vi sinh vật.
Nhà máy của hai công ty sản xuất sữa bột giả đặt tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Liên quan đến việc tự công bố sản phẩm, thẩm định và cấp số công bố đăng ký sản phẩm cho các loại sữa bột của 2 công ty trên, phóng viên Báo CAND đã liên hệ với lãnh đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội để tìm hiểu, nhưng lãnh đạo Chi cục không nghe máy. Nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi về việc hậu kiểm của cơ quan chức năng với những sản phẩm sữa bột tự công bố có bị buông lỏng hay không khi sữa giả tuồn ra thị trường trong nhiều năm qua mà không bị phát hiện?
Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, BS Giang khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng sữa rõ nguồn gốc, có tên thương hiệu uy tín, nhãn mác đầy đủ, tem chống giả, mã QR để kiểm tra. Mua sữa ở các điểm bán tin cậy như nhà thuốc uy tín, siêu thị, cửa hàng chuyên biệt được cấp phép. Không mua qua mạng xã hội hoặc kênh không chính thống. Đặc biệt khi có bệnh lý nền cần tham khảo ý kiến chuyên gia như hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được chỉ định loại sữa phù hợp. Người tiêu dùng cũng có thể báo cho cơ quan chức năng nếu phát hiện nghi vấn sữa giả. Đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ sức khỏe chung.