Gần 500.000 trang tư liệu Hán Nôm tại Thừa Thiên Huế được bảo tồn bằng công nghệ số

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thư viện, hàng trăm nghìn trang tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được số hóa để gìn giữ, phát huy giá trị lâu dài.

Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Huế thông tin, thời gian qua, đơn vị đã không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyển đổi số thư viện. Việc làm này đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động của thư viện, phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc. Một trong những kết quả nổi bật có thể kể đến là đã số hóa được một khối lượng lớn các tư liệu Hán Nôm trên địa bàn để gìn giữ, phát huy giá trị lâu dài.

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua điền dã khảo sát, các nhóm nghiên cứu đã số hóa gần 500.000 trang tư liệu Hán Nôm ở 199 làng, 967 họ tộc và 19 phủ đệ, tư gia gồm: Sắc phong, gia phả, văn tế, bằng cấp, địa bạ, văn bản hành chính, hương ước, văn cúng và các loại tài liệu khác.

Cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện công tác số hóa di sản tư liệu Hán Nôm trên địa bàn.

Cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện công tác số hóa di sản tư liệu Hán Nôm trên địa bàn.

Các tài liệu được sưu tầm đều là văn bản gốc, khá đầy đủ và đa dạng các loại hình tư liệu Hán Nôm ở Thừa Thiên Huế. Các văn bản được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau với nội dung phong phú và có giá trị trên nhiều lĩnh vực như văn bản học, lịch sử - văn hóa, tư tưởng và phong tục tập quán… Việc nghiên cứu điều tra, khảo sát, sưu tầm gắn liền với số hóa các tư liệu Hán Nôm thời gian qua đã giúp nhiều người hiểu sâu hơn về vùng đất Thừa Thiên Huế và đóng góp vào việc nghiên cứu Việt Nam trong thời kỳ trung đại.

Từ kết quả của công tác sưu tầm, số hóa di sản tư liệu Hán Nôm này, tính đến năm 2024, đã tiến hành biên soạn, dịch thuật và in ấn được 5 ấn phẩm gồm: "Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế" (năm 2018); "Sắc phong, chế phong, chiếu thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế" (năm 2020), "Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (năm 2021) "Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế" (năm 2022); "Hương ước các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế" (năm 2023). Các công trình nghiên cứu này sau khi ra mắt đã được các nhà khoa học cùng độc giả đánh giá cao về mặt học thuật cũng như chất lượng nội dung.

Cùng với đó, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức trưng bày triển lãm kết hợp tặng đĩa CD về tài liệu số hóa tư liệu Hán Nôm. Thông qua các hoạt động, đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm trên địa bàn.

Thế Trung

* Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/gan-500000-trang-tu-lieu-han-nom-tai-thua-thien-hue-duoc-bao-ton-bang-cong-nghe-so-20241128160948782.htm
Zalo