Gần 4.800 người bị ngộ độc thực phẩm, 21 ca tử vong trong 11 tháng của năm 2024
Trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 7 vụ, số mắc tăng 2677 người, số tử vong giảm 7 người.
Báo cáo công tác y tế của Bộ Y tế năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 diễn ra sáng nay - 24/12 tại Hà Nội, cho biết trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 07 vụ, số mắc tăng 2677 người, số tử vong giảm 07 người. Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (≥ 30 người mắc/vụ) là 29 vụ, khiến 4.049 người mắc và 02 người tử vong; Số vụ ngộ độc nhỏ, vừa (<30 người mắc/vụ) là 102 vụ, khiến 747 người mắc và 19 người tử vong.
Theo Bộ Y tế, trong số 131 vụ ngộ độc thực phẩm có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên (chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ); 06 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật và 37 vụ chưa xác định nguyên nhân.
Trong năm qua đã chi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty (tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Nai); bếp ăn trường học, và cả căng tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TP HCM); do thức ăn đường phố (ở tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Sóc Trăng).
Trước tình hình ngộ độc thực phẩm có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố, Bộ Y tế tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, Công điện về tăng cường ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền giáo dục về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh. Tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm. Tính đến ngày 30/11/2024, toàn Ngành Y tế (tại Trung ương và địa phương) đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023), trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền phạt: 33.534.861.080 đồng (Số cơ sở phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần số tiền phạt năm 2023).
Bộ Y tế cũng thông tin, báo cáo giám sát của 40 cơ quan quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố, tổng số mẫu giám sát 18.082 mẫu, không đạt 526 mẫu (2,9%). Theo số liệu báo cáo giám sát của 6 viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế tổng số mẫu giám sát là 387 mẫu, trong đó số mẫu không đạt là 13 mẫu (chiếm tỷ lệ 3,3%).
Cũng theo Bộ Y tế, hệ thống kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm được đầu tư, nâng cấp. Đến nay đã có 6 Labo thuộc các Viện Trung ương và 63 phòng kiểm nghiệm thực phẩm cấp tỉnh được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.
Năm 2024, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã chỉ định 16 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước. Lũy tích tổng số cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế được chỉ định là 40 cơ sở (còn hiệu lực).
Liên quan đến danh mục hàng hóa thực phẩm phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, Bộ Y tế cho biết từ năm 2021 đến nay Bộ Y tế đã ban hành 2 Thông tư và cắt giảm trên 50% số dòng hàng phải kiểm tra nhà nước trước thông quan, góp phần thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm tối đa các chi phí liên quan của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.