Gần 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật giới thiệu về di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), ngày 19/5, Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TP Huế long trọng tổ chức lễ dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai mạc triển lãm 'Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế' tại Bảo tàng Hồ Chí Minh TP Huế.

Tham dự lễ có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Huế Phạm Đức Tiến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Phương; Giám đốc Công an TP Huế Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của TP Huế.

Lãnh đạo TP Huế dâng hoa lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo TP Huế dâng hoa lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TP Huế là mảnh đất vinh dự và tự hào có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, có 4 di tích Quốc gia đặc biệt và nhiều di tích cấp tỉnh lưu niệm về Người là minh chứng cho khoảng thời gian Người cùng gia đình đã sống, lao động, học tập. Vùng đất này đã góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước, hình thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo, đại biểu tham dự khai mạc triển lãm.

Lãnh đạo, đại biểu tham dự khai mạc triển lãm.

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh TP Huế, Đảng ủy - UBND TP Huế tổ chức trọng thể Lễ dâng hoa để tưởng nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vùng đất đã có nhiều gắn bó sâu sắc với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người. Trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu tham dự dâng những đóa hoa sen tươi thắm và dành một phút mặc niệm để nhớ đến công lao của Người.

Cùng ngày, cũng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh TP Huế đã diễn ra khai mạc triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế” với 2 phần: không gian di sản văn hóa lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế và không gian Gốm nghệ thuật “Huế với Bác Hồ”.

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế”

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế”

Triển lãm với gần 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật giới thiệu về di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế gồm, hệ thống di sản vật thể vô cùng quý giá với gần 20 di tích, địa điểm di tích trong đó 4 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp thành phố; Giới thiệu các di sản phi vật thể về Người ở Huế như: Nghi lễ và truyền thống mang họ Hồ của đồng bào các dân tộc miền Tây TP Huế; Thơ ca dân gian ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Bên cạnh đó, xuất phát từ sáng kiến của Bảo tàng Hồ Chí Minh TP Huế, Hội Mỹ thuật TP Huế và Trường Đại học nghệ thuật - Đại học Huế, Trại sáng tác Gốm nghệ thuật tổ chức sáng tác với chủ đề “Huế với Bác Hồ” đã quy tụ 21 họa sĩ, nhà điêu khắc. Qua 60 ngày sáng tác, từ các phác thảo, 40 tác phẩm đã được Hội đồng nghệ thuật chọn để hoàn thiện và tổ chức trưng bày trong triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế”.

Mỗi tác phẩm về Người là những góc nhìn nghệ thuật đặc sắc, sự thăng hoa trong sáng tác, cùng với kỹ thuật nung gốm, nhúng men, tạo màu… đã tạo nên những tác phẩm đặc biệt kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.

Giới thiệu một tác phẩm tại không gian triển lãm.

Giới thiệu một tác phẩm tại không gian triển lãm.

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những ngày này tại làng Dương Nỗ (phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa, TP Huế) đã diễn ra Ngày hội làng Dương Nỗ với chủ đề “Dương Nỗ - hành trình tháng 5” với nhiều hoạt động. Dương Nỗ đã trở thành một địa danh không thể thiếu trong dấu ấn của Người tại Thừa Thiên Huế.

Ngày hội làng Dương Nỗ năm 2025 trở thành điểm hẹn văn hóa đặc biệt trong hành trình tháng Năm nhớ Bác, góp phần gắn kết giữa di tích với cộng đồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời gắn với phát triển du lịch.

Di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ.

Di tích Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ.

Theo tư liệu, năm 1898, sau kỳ thi Hội lần thứ 2, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ. Hai anh em Khiêm, Cung theo cha về đây, vừa để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình và cũng để ông bố có điều kiện dạy học cho hai con đã đến tuổi học chữ. Khi về đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc được gia đình ông Độ giao cho ngôi nhà tranh ba gian hai chái làm chỗ ở cho ông và hai con, đồng thời cũng là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc mở lớp dạy học.

Tại ngôi nhà này, Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được chính người thầy và cũng là người cha của mình khai tâm bằng những bài học đầu tiên.

Sống ở làng Dương Nỗ, một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền thống văn hóa, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hòa nhập với đời sống cộng đồng làng xã, được đùm bọc bởi tình cảm yêu thương chan hòa, nhân hậu và bao dung của những người dân quê chất phác, thủy chung, được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân mộc mạc…

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/gan-200-tu-lieu-hinh-anh-hien-vat-gioi-thieu-ve-di-san-van-hoa-cua-chu-tich-ho-chi-minh-i768816/
Zalo