Gần 180 tỷ đồng phát triển lúa hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị
Quảng Trị khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư hình thành các vùng sản xuất tập trung để tổ chức sản xuất lúa hữu cơ; phát triển các hình thức liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp với nông dân.
Từ năm 2025 – 2030, tỉnh Quảng Trị đầu tư gần 180 tỷ đồng để phát triển lúa hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị bền vững; trong đó, năm 2025 tỉnh đầu tư trên 16 tỷ đồng để phát triển thêm 684 ha lúa hữu cơ, qua đó đưa tổng diện tích lúa loại này lên 1.000 ha. Từ năm 2026 – 2030 tỉnh đầu tư hơn 163 tỷ đồng để phát triển thêm 1.000 ha lúa hữu cơ, qua đó đưa tổng diện tích lúa loại này lên 2.000 ha.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị , tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp để đặt được mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ gồm tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, cải tạo chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng đường giao thông nội đồng, xây dựng kiên cố hóa kênh mương.
Tỉnh khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư hình thành các vùng sản xuất tập trung để tổ chức sản xuất lúa hữu cơ; phát triển các hình thức liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp với nông dân; ưu tiên các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu lúa gạo; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, cải tạo đất; nghiên cứu chọn ra giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao, kháng sâu bệnh và chống chịu với biến đổi khí hậu.
Lúa hữu cơ được nông dân Quảng Trị bắt đầu sản xuất vào năm 2017. Sản xuất lúa hữu cơ thời gian qua cho thấy hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. Năng suất lúa hữu cơ đạt trên 65 tạ/ha, được doanh nghiệp thu mua tươi ngay tại ruộng hoặc lúa khô với giá thỏa thuận với người nông dân ngay từ đầu vụ.
Hộ sản xuất lúa hữu cơ cho thu nhập từ 65 – 85 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí có lãi 30 – 43 triệu đồng/ha, cao hơn canh tác thông thường 7 – 10 triệu đồng/ha. Thông qua chuỗi liên kết, nông dân sản xuất lúa có đầu ra ổn định.
Sản xuất lúa hữu cơ không sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học góp phần bảo vệ môi trường nước, đất, không khí; qua đó giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.
Tháng 2/2023, lần đầu tiên, lô hàng 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị chính thức được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đây được xem là bước ngoặt mới của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị.