Gần 18 tỉ đô la rót vào các công ty AI trong quí 3

Tiền đầu tư dồn dập chảy vào các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) trong quí 3, với tổng số vốn huy động đạt 17,9 tỉ đô la Mỹ. Con số này vượt xa tổng lượng tiền rót vào tất cả các hạng mục công nghệ còn lại.

Theo dữ liệu của PitchBook, trong quí 3, giá trị đầu tư vào các công ty AI trên toàn đã tăng 27% so với với một năm trước, lên mức 17,9 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Voicebot

Theo dữ liệu của PitchBook, trong quí 3, giá trị đầu tư vào các công ty AI trên toàn đã tăng 27% so với với một năm trước, lên mức 17,9 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Voicebot

Theo dữ liệu của PitchBook, trong quí vừa qua, giá trị đầu tư vào các công ty AI trên toàn đã tăng 27% so với với một năm trước. Trong lúc đó, tổng giá trị đầu tư dành cho các công ty công nghệ nói chung giảm 31% so với một năm trước, đạt 73 tỉ đô la trên toàn thế giới.

Các xu hướng đối lập làm nổi bật sự khác biệt giữa các công ty AI và phần còn lại của ngành công nghệ. Lãi suất tăng và sự sụt giảm nhu cầu thiết bị công nghệ ở thời kỳ hậu đại dịch đã cản trở nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Điều này khiến AI trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi của thế giới đầu tư mạo hiểm. Đặc biệt, công nghệ AI tạo sinh, với khả năng tạo ra hình ảnh chân thực và văn bản tự nhiên, đã thu hút hàng tỉ đô la tài trợ cho các công ty khởi nghiệp (startup) AI lớn nhất.

Một số nhà đầu tư mạo hiểm so sánh sự bùng nổ của AI với sự ra đời của Internet tiêu dùng. “Đây là thời điểm của web, thời điểm của HTML ( ngôn ngữ siêu văn bản để thiết lập trang web) dành cho AI có tính sáng tạo”, Praveen Akkiraju, giám đốc của Insight Partners nhận định.

Giống như Internet đã tồn tại nhiều năm trước khi các giao diện thân thiện với người dùng giúp mạng này được sử dụng rộng rãi, AI đang phát triển mạnh mẽ nhờ các chương trình dễ sử dụng như ChatGPT của OpenAI tạo sức hút.

Sự phấn khích của nhà đầu tư đối với AI làm lu mờ đợt sụt giảm đầu tư ở ngành công nghệ nói chung. Theo PitchBook, trong khi các thương vụ đầu tư liên quan đến các công ty AI như OpenAI thống trị các tin tức nổi bật, hầu hết các danh mục công nghệ, bao gồm phần cứng công nghệ thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng, đều chứng kiến giá trị đầu tư giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ngay cả lĩnh vực AI nói chung cũng không hoàn toàn tránh được áp lực nguồn vốn suy giảm trên thị trường khởi nghiệp. Tổng số tiền huy động mà lĩnh vự này huy động được vẫn ít hơn so với hai năm trước trong thời kỳ đỉnh cao của cơn bùng nổ công nghệ do đại dịch thúc đẩy. Vốn đầu tư rót vào AI tập trung chủ yếu ở một số công ty nổi bật, bao gồm Anthropic và OpenAI. Chỉ riêng OpenAI huy động được tổng cộng 10 tỉ đô la trong 12 tháng qua.

Hôm 18-10, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồnthạo tin cho biết, OpenAI đang đàm phán để bán cổ phiếu của nhân viên hiện tại dựa trên mức định giá của công ty lên đến 86 tỉ đô la. Với mức định giá này, OpenAI, nơi Microsoft sở hữu 49% cổ phần, sẽ vượt qua hãng xử lý thanh toán Stripe (Mỹ) và nhà bán lẻ trực tuyến Shein của Trung Quốc để trở thành một trong những công ty tư nhân (chưa niêm yết cổ phiếu) giá trị nhất thế giới, xếp sau SpaceX của tỉ phú Elon Musk và ByteDance, công ty mẹ của TikTok. OpenAI dự kiến cán mốc doanh thu 1 tỉ đô la trong năm khi ChatGPT ngày càng được nhiều doanh nghiệp đón nhận.

Hồi cuối tháng 9, tập đoàn công nghệ Amazon cam kết rót 1,25 tỉ đô la vào Anthropic, công ty AI được thành lập bởi các cựu thành viện của OpenAI. Thỏa thuận kèm theo quyền chọn cho phép Amazon có thể đầu tư thêm 2,75 tỉ đô la. Trước đó một tháng, tập đoàn viễn thông SK Telecom của Hàn Quốc đồng ý đầu tư 100 triệu đô la vào Anthropic.

Hồi đầu tháng 10, startup này cho biết đang đàm phán với các nhà đầu tư để huy động ít nhất thêm 2 tỉ đô la, dựa trên mức định giá 20-30 tỉ đô la. Google dự kiến đầu tư thêm cho trong vòng gọi vốn mới sau khi rót 300 triệu đô vào Anthropic vào cuối năm 2022. Anthropic đang vận hành Claude, một chatbot cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI. Anthropic đang cung cấp phiên bản Claude cao cấp ở Mỹ với mức phí 20 đô la / tháng.

Cuối tháng 6, Inflection AI (Mỹ), một startup xây dựng “AI cá nhân cho mọi người”, hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 1,3 tỉ đô la có sự tham gia của Microsoft, tỉ phú Bill Gates và hãng thiết kế chip Nvidia. Vòng gọi vốn này định giá Inflection AI ở mức 4 tỉ đô la.

Cho đến nay, làn sóng đầu tư vào AI tạo sinh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể. Hồi đầu tháng 10, hãng xử lý thanh toán Visa ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 100 triệu đô la dành cho các công ty khởi nghiệp về AI tạo sinh đang phát triển những sản phẩm quyết định tương lai của thanh toán và thương mại điện tử.

Trong lĩnh vực công nghệ, phần mềm doanh nghiệp là hạng mục đầu tư sôi động cách đây vài năm. Khi đó, các nhà đầu tư mạo hiểm đổ xô rót tiền vào các startup phát triển phần mềm doanh nghiệp, một phần là nhờ thành công vang dội từ các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của từ các công ty UiPath và Snowflake.

Một startup được hưởng lợi từ cơn sốt đầu tư này vào năm 2021 là Kong (Mỹ), doanh nghiệp giúp quản lý cách các ứng dụng phần mềm giao tiếp với nhau. Kong đã huy động được 100 triệu đô la dựa trên mức định giá 1,4 tỉ đô la trong một thỏa thuận do Tiger Global Management dẫn đầu

Augusto Marietti, người sáng lập Kong, cho biết công ty vẫn đang hoạt động tốt, với lượng tiền chảy vào hoạt động kinh doanh nhiều hơn là chảy ra ngoài trong vài tháng gần đây. Công việc kinh doanh của Kong đang phát triển nhờ sự trỗi dậy của AI vì càng có nhiều công cụ AI thì cần càng nhiều cơ sở hạ tầng dữ liệu, thúc đẩy nhu cầu sử dụng phần mềm của Kong.

Theo Bloomberg, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gan-18-ti-do-la-rot-vao-cac-cong-ty-ai-trong-qui-3/
Zalo