Gần 15% diện tích lúa xuân được cấy bằng máy - mạ khay
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ xuân năm nay toàn tỉnh đã có gần 15% diện tích lúa được nông dân các địa phương áp dụng cấy máy - mạ khay, tăng trên 5% so với vụ xuân năm 2024. Đây là kết quả của sự nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương, nhất là các HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp trong việc thúc đẩy mạnh cơ giới hóa trong cấy lúa, góp phần giảm công lao động nặng nhọc, tối ưu hóa chi phí sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Nông dân xã Liên Minh (Vụ Bản) cấy máy - mạ khay, giúp giảm công lao động và bảo đảm khung thời vụ.
Huyện Hải Hậu là địa phương có nhiều diện tích cấy máy - mạ khay với 1.000ha, tiếp đó là huyện Vụ Bản 650ha, Trực Ninh 600ha, Ý Yên 350ha, Giao Thủy 300ha… Nhiều địa phương có tới 60-70% diện tích cấy máy - mạ khay, tiêu biểu là các xã: Hải Đông, Hải Hưng, Hải Trung, Hải Xuân, Hải An (Hải Hậu); Thành Lợi, Minh Tân, Cộng Hòa (Vụ Bản); Liêm Hải, Việt Hùng, Trực Tuấn, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh); Đồng Thịnh, Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); Bình Hòa, Giao Châu, Hồng Thuận, Giao Hải, Giao Hương (Giao Thủy)…
Việc sử dụng máy cấy - mạ khay giúp tiết kiệm công lao động, bảo đảm mật độ cấy đồng đều, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo. Nhờ sự chủ động của người dân và hỗ trợ của HTX nông nghiệp, cấy máy - mạ khay đang dần thay thế và trở thành phương pháp phổ biến giúp giảm áp lực lao động trong thời điểm mùa vụ do nguồn lao động chuyển đổi sang làm công nhân tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp; đồng thời cấy máy còn giúp giảm lượng giống, tiết kiệm chi phí, hạn chế sâu bệnh, đất ít bạc màu mà vẫn bảo đảm cây lúa sinh trưởng tốt. Đây là tiền đề để khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, không để ruộng hoang hóa, thúc đẩy tạo các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân các địa phương.