Gần 100% ý kiến tán thành dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013
Chiều 20/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong hệ thống MTTQ Việt Nam (dự thảo Nghị quyết).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các Điều 9, 10, khoản 1 Điều 84 Hiến pháp. (Ảnh trong bài: Quang Vinh).
Khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam
Trình bày Báo cáo bước đầu tổng hợp sơ bộ kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết trong hệ thống MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, bài bản. Cùng với quá trình tổ chức lấy ý kiến, MTTQ Việt Nam tăng cường tuyên truyền, định hướng tư tưởng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; động viên đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến dự thảo Nghị quyết, nhất là tham gia ý kiến qua các ứng dụng VNeID do Bộ Công an triển khai.
“Qua theo dõi và tổng hợp, Ban Thường trực nhận thấy ý kiến thảo luận, góp ý rất tập trung, đi thẳng vào các nội dung, điều khoản được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp; thống kê sơ bộ đã có 717.712 ý kiến góp ý trong hệ thống MTTQ vào các điều khoản được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị quyết. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và mong muốn những điểm mới trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng như chủ trương xây dựng chính quyền địa phương hai cấp”, ông Hoàng Công Thủy thông tin.
Đối với kết quả góp ý kiến vào điều khoản cụ thể của dự thảo Nghị quyết, nhìn chung, đa số ý kiến thống nhất và tán thành cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các Điều 9, 10, khoản 1 Điều 84 Hiến pháp và đều cho rằng nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; bổ sung quy định các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại khoản 2 Điều 9 và Điều 10 Hiến pháp năm 2013 có tính đột phá, phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng trong giai đoạn hiện nay, nhất là với Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đa số ý kiến cũng thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan tới tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời đề nghị giữ lại quyền chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân vì đây là 2 đối tượng cần được chất vấn, không thể chỉ vì không còn chính quyền cấp huyện mà không giữ quyền này để bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân.
Đủ điều kiện để tập hợp gửi Chính phủ theo kế hoạch
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các Điều 9, 10, khoản 1 Điều 84 Hiến pháp. Đối với những băn khoăn về việc dùng cụm từ “trực thuộc” trong quy định của Hiến pháp sẽ mang nặng tính “hành chính hóa”, ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam chính là để khắc phục tình trạng hành chính hóa cho hoạt động của các tổ chức này.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Thêm vào đó, việc sử dụng cụm từ “dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam” tại khoản 2 Điều 9 cũng không mang tính phân biệt “trên - dưới”, mặt khác quy định này bảo đảm sự lãnh đạo, tập trung về một mối giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, giúp cho bộ máy trở nên tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Cũng liên quan đến nội dung này, ông Trần Việt Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, việc hiến định MTTQ là tổ chức đứng đầu và 5 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc là hoàn toàn hợp lý. “Trong xu thế phát triển của đất nước, Mặt trận đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình. Đơn cử như khi các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân làm công tác xã hội, mọi người nghĩ ngay đến Mặt trận. Từ bà bán xôi hay ông tổng giám đốc khi làm công tác xã hội đều nghĩ ngay đến Mặt trận. Do đó, tôi nghĩ rằng khoản 2 Điều 9 đề cập các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam là hoàn toàn hợp lý”, ông Việt Anh nêu ý kiến và cho rằng, khi có sự đồng thuận trong xã hội thì việc người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ những điểm mới tại Điều 9 là rất lớn.
Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hướng dẫn và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bảo đảm tính công khai, dân chủ, có chất lượng, đúng tiến độ, đủ điều kiện để tập hợp gửi đến Chính phủ theo kế hoạch. “Triển khai Kế hoạch, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức 6.558 hội nghị lấy ý kiến với 717.712 ý kiến trách nhiệm tâm huyết trí tuệ tham gia đóng góp, trong đó có 715.617 ý kiến tán thành với dự thảo Nghị quyết, chiếm 99,7%, còn 0,3% tán thành nhưng có góp ý để hoàn thiện hơn” - ông Đỗ Văn Chiến thông tin.
Tiếp thu ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ và gửi đến Chính phủ, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để nghiên cứu, xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua.