Gần 100 triệu người Mỹ tiếp xúc với nguồn nước uống ô nhiễm, có thể gây ung thư
Một nghiên cứu đã tiết lộ rằng gần 1/3 người Mỹ đang tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không được kiểm soát trong nước uống, có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư.
Dựa trên dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) từ năm 2013 đến 2015, các nhà nghiên cứu đã xem xét 4.815 hệ thống nước công cộng trên toàn quốc và phát hiện 27% hệ thống nước (phục vụ 97 triệu người) có ít nhất một hóa chất không được kiểm soát.
Dù các hệ thống này được kiểm tra gần 100 chất gây ô nhiễm theo Đạo luật Nước uống An toàn, hàng nghìn hóa chất khác vẫn chưa được quản lý và có thể thẩm thấu vào nguồn nước ngầm và nước mặt.
Các chất độc hại này, không nằm trong danh mục kiểm soát hiện hành của liên bang, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, từ ung thư đến các bệnh về tuyến giáp. Một số hóa chất phổ biến trong nước uống bao gồm:
1,4-dioxane: Chất gây ung thư, thường xuất hiện trong các sản phẩm tiêu dùng.
PFAS: Hóa chất sử dụng trong lớp phủ chống dính và chống thấm, liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Chlorodifluoromethane (Freon 22): Từng được dùng trong tủ lạnh và sản xuất vật liệu như Teflon.
1,1-dichloroethane: Một chất hóa học trong sản xuất sơn và thuốc trừ sâu, có liên quan đến ung thư.
Việc thiếu kiểm soát thường xuyên đối với các hóa chất này khiến nồng độ của chúng có thể tăng lên mà không có bất kỳ biện pháp an toàn nào được thực hiện.
Các cộng đồng gốc Latinh và da màu có nguy cơ cao tiếp xúc với các chất ô nhiễm không được kiểm soát do sống gần các nguồn phát thải như khu công nghiệp, sân bay và cơ sở quân sự.
Aaron Maruzzo, nhà khoa học của Viện Silent Spring, nhận định: “Tỷ lệ cư dân gốc Latinh và da màu trong một cộng đồng là yếu tố dự báo chất lượng nước kém”.
Tình trạng này không thể chỉ được giải thích bằng thu nhập hoặc địa vị kinh tế xã hội mà còn là hậu quả của các chính sách phân biệt đối xử trong quá khứ, dẫn đến việc đặt các cơ sở công nghiệp gần cộng đồng da màu.