Tại Hà Nội, theo thống kê đã có hơn 24.000 cây xanh bị gãy cành, bật gốc chiếm khoảng 10% tổng số cây xanh toàn thành phố. Trong đó, có nhiều cây cổ thụ, hàng trăm năm tuổi.
Do số lượng lớn nên gần một tuần sau bão Yagi việc chống dựng, trồng lại cây xanh nghiêng, đổ và tổ chức thu dọn thân cây, lá, cành cây gãy, rụng vẫn ngổn ngang tại nhiều tuyến phố.
Sau khi bão tan, lực lượng chức năng của TP Hà Nội, cùng với sự hỗ trợ của nhiều tỉnh thành trong cả nước đã dồn tổng lực dọn dẹp, trồng lại cây gãy đổ.
Cây xanh bị đổ trên đường Nguyễn Thái Học (Hoàn Kiếm) vẫn chưa được dọn hết.
Ghi nhận của phóng viên trên đường Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng), nhiều cây xanh bị gãy đổ chưa được dọn dẹp, di chuyển. Anh Phạm Đức Huy - người dân sinh sống tại đây mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng di chuyển và dọn dẹp các cây xanh bị gãy đổ để đảm bảo an toàn cho người dân, thuận tiện cho giao thông và bảo vệ môi trường.
Cây lớn ở đường Lê Duẩn đổ đè lên bờ rào Công viên Thống Nhất, chặn ngang vỉa hè đi bộ của người dân.
Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị khẩn trương chống dựng, trồng lại cây xanh nghiêng, đổ và tổ chức thu dọn thân cây, lá, cành cây gãy, rụng để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn quản lý.
Chia sẻ với phóng viên, một nhân viên Công ty cây xanh đang thực hiện nhiệm vụ cho biết, quá trình xử lý phải vừa bảo đảm an toàn cho người dân, vừa phải bảo vệ tính toàn vẹn của các công trình. Đặc biệt, cũng cần chú ý đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như người đi đường.
Thông tin tới báo chí, một lãnh đạo Công ty Cây xanh Hà Nội cho biết, dù công nhân công ty cây xanh của nhiều tỉnh thành về Thủ đô hỗ trợ việc thu dọn cây đổ, nhưng khối lượng công việc quá lớn, nên đến nay mới cơ bản dọn cây đổ ra lòng đường. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tập trung vào việc trồng lại cây và vận chuyển gỗ, củi về kho bãi.
Minh Chí