Gần 1,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu sắp được nhận trợ cấp
Lần đầu tiên, chế độ hưu trí xã hội được đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đánh dấu bước tiến lớn trong chính sách an sinh.
Lần đầu tiên, chế độ hưu trí xã hội được đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đánh dấu bước tiến lớn trong chính sách an sinh. Dự kiến khoảng 1,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước.
Theo Điều 21 Luật BHXH 2024 (hiệu lực từ 1-7-2025), công dân từ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH, có thể làm văn bản đề nghị nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Đặc biệt, người từ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo mà không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH cũng có thể được hưởng nếu đủ điều kiện.
Mức trợ cấp sẽ do Chính phủ quy định, căn cứ tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách từng thời kỳ.
Mừng vì sắp được hỗ trợ
Sống cùng hai con làm công nhân trong căn nhà trọ, bà Nỉ (75 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) vui mừng khi nghe hàng xóm nói bà sắp được nhận trợ cấp. Ngày xưa, bà làm lao động tự do nên bà không có lương hưu, mỗi ngày bà đẩy xe nước nhỏ trước trọ để kiếm thêm, phần nào giảm gánh nặng cho các con.
“Mỗi ngày bán nước mía được vài chục ngàn, đủ để mua gạo và chút đồ ăn. Tôi không muốn các con phải lo lắng thêm. Có thêm trợ cấp, tôi sẽ đỡ chật vật hơn, có thêm chút đỉnh để lo thêm chi tiêu mỗi ngày” - bà Nỉ bộc bạch.

Người cao tuổi khám sức khỏe miễn phí phường tại Tân Hưng Thuận, quận 12. Ảnh: TRẦN MINH.
Ở tuổi gần 74, ông Kim (ngụ quận Bình Thạnh) hiện sống cùng con gái trong một căn nhà nhỏ. Dù cuộc sống không quá dư dả, ông luôn cảm nhận được tình thương và sự chăm lo từ con.
“Con gái tôi vẫn hay nói là tôi yên tâm đi, con sẽ lo được cho tôi. Nghe vậy tôi cũng an lòng, nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi vẫn muốn tự chủ một phần nào đó để có thêm chi tiêu lặt vặt” - ông Kim nói.
Đối với ông Kim, việc người cao tuổi không lương hưu sắp được nhận trợ cấp hàng tháng là một tin vui bất ngờ.
“Khoản trợ cấp không lớn, nhưng với tôi, nó là sự hỗ trợ ý nghĩa. Mỗi tháng có thêm vài trăm nghìn đồng, tôi có thể tự mua thuốc, trả tiền điện nước hoặc phụ thêm vào các chi phí sinh hoạt nhỏ lẻ mà không cần đắn đo. Ở tuổi này, điều quý giá nhất là được sống vui vẻ, không lo lắng. Tôi rất mừng vì chính sách đã nghĩ đến những người già như chúng tôi” - ông Kim bày tỏ.
An sinh đến đúng lúc
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết già hóa dân số hiện không còn là dự báo mà đã trở thành hiện thực. Điều này đặt ra yêu cầu đối với hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), cần phải thích ứng linh hoạt và mở rộng độ bao phủ để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
“Một trong những điểm mới đáng chú ý là lần đầu tiên chế độ hưu trí xã hội được quy định trong Luật BHXH cùng với BHXH cơ bản (bắt buộc, tự nguyện) và bảo hiểm hưu trí bổ sung tạo thành hệ thống BHXH đa tầng, tương tự mô hình an sinh xã hội ở nhiều quốc gia" - ông Hà nói.
Theo ông Hà, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại, người cao tuổi đang chịu nhiều áp lực về chi phí sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe. Việc triển khai chính sách mới vào thời điểm này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính, tiếp cận bảo hiểm y tế miễn phí, mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống an sinh xã hội, thể hiện rõ cam kết đồng hành của Nhà nước với nhóm yếu thế.
Đồng tình với quan điểm trên ThS Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia chính sách công, cho rằng việc mở rộng trợ cấp xã hội thường xuyên cho khoảng 1,2 triệu người cao tuổi từ 1-7-2025 là quyết sách kịp thời, cần thiết.

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo Tổng cục Thống kê, hơn 70% người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu, gần một nửa phụ thuộc vào con cháu, gây nguy cơ tái nghèo nếu thiếu sự can thiệp của Nhà nước.
Kinh nghiệm quốc tế từ Nhật Bản, Thụy Điển, Hàn Quốc cho thấy trợ cấp người cao tuổi là nền tảng ổn định xã hội, giảm chi phí y tế dài hạn qua phòng ngừa rủi ro kinh tế và sức khỏe. Việt Nam đang đi đúng xu hướng, song cần cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả chính sách.
Do đó, ThS Nguyễn Tuấn Anh đề xuất mở rộng nhóm thụ hưởng dựa trên đánh giá đa chiều về mức độ tổn thương, ưu tiên người cao tuổi đơn thân, khuyết tật, vùng sâu vùng xa...
Ngoài ra, cần liên kết trợ cấp với y tế, nhà ở, chăm sóc cộng đồng tạo hệ thống “an sinh tích hợp” như Singapore với mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ người cao tuổi hàng ngày.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa quốc gia về an sinh để xác định chính xác, minh bạch người thụ hưởng, phòng chống trục lợi, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách.
Về lâu dài, nhà nước cần thúc đẩy BHXH tự nguyện với cơ chế “đóng – hưởng” hấp dẫn, hỗ trợ ngân sách ban đầu, tạo “văn hóa hưu trí” nhằm giảm áp lực ngân sách quốc gia trong tương lai.
Cần xây dựng cơ chế xác minh thu nhập
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, trên thực tế sẽ có những trường hợp người từ 75 tuổi trở lên dù không có lương hưu hay trợ cấp BHXH hằng tháng, nhưng lại có thu nhập ổn định từ các nguồn khác như cho thuê nhà, đầu tư… Liệu những người này có thực sự cần nhận trợ cấp hưu trí xã hội?
“Do đó, để đảm bảo chính sách thực sự công bằng, nhà nước cần xây dựng cơ chế xác minh thu nhập thực tế một cách minh bạch, khả thi, nhằm tránh tình trạng chính sách không đến được với người thực sự khó khăn" - ông Hà đề xuất