Gam màu sáng tương lai kinh tế Nhật Bản sau một năm khởi sắc

Bằng nhiều giải pháp tổng thể, Nhật Bản đã bắt đầu thoát khỏi tình trạng giảm phát, đồng thời đang chuẩn bị đà cho những bước bứt lên tiếp theo trong năm 2025.

Theo các chuyên gia kinh tế có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chuyển mình quan trọng của kinh tế Nhật Bản 2024, trong đó có 3 nhóm nguyên nhân chính. Dự báo, 3 yếu tố này vẫn sẽ tiếp tục là điểm tựa cho kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới.

Yếu tố mang tính động lực

Đầu tiên là sự phát triển rất mạnh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Chỉ tính riêng trong tháng 11 vừa qua, số du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã lên tới 3.187.000 người. Còn nếu tính lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2024, con số này lên tới 33.379.900 lượt, vượt qua cả đỉnh cao của năm 2019 khi chưa bùng phát dịch Covid-19, trở thành một kỷ lục mới của ngành “công nghiệp không khói” tại “xứ sở Hoa Anh Đào”. Chi tiêu bình quân của mỗi du khách nước ngoài khi thăm Nhật Bản cũng không ngừng tăng nhanh, đạt mức 209.000 Yên (tương đương 35.500.000 VND). Trong bối cảnh đó, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút trung bình hàng năm khoảng 60.000.000 du khách nước ngoài.

Nhóm nguyên nhân thứ 2 là sự hồi phục của các hoạt động xuất khẩu. Liên tục trong các tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giữ được đà tăng trưởng dương. Đặc biệt, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng 10,3% đạt hơn 9619 tỷ Yên (tương đương khoảng 66 tỷ USD), tiếp theo, trong tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đạt 9426,7 tỷ Yên (tương đương khoảng 61 tỷ USD) tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là những con số cao nhất của nước này tính từ năm 1979 đến nay. Đáng chú ý là các sản phẩm từ chất bán dẫn – mặt hàng đang được coi là chiến lược của Nhật Bản tăng mạnh.

Nhóm nguyên nhân thứ 3 là do tốc độ phát triển của cán cân thanh toán quốc tế từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư cán cân thanh toán quốc tế của nước này trong tháng 10 vừa qua đạt 2.456,9 tỷ Yên (tương đương khoảng 417.673 tỷ VND), tăng 56 tỷ Yên so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu nhập sơ cấp từ các công ty con của các doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài lên tới 3.254,1 tỷ Yên (tương đương 553.197 tỷ VND), cao nhất trong vòng 40 năm qua, tính từ năm 1985 đến nay. Tất cả những yếu tố này đã tạo nên những gam mầu sáng và ấm cho bức tranh kinh tế Nhật Bản 2024.

Du lịch sẽ tiếp tục là một trong những động lực phát triển chính của kinh tế Nhật Bản (ảnh: Jiji Press)

Du lịch sẽ tiếp tục là một trong những động lực phát triển chính của kinh tế Nhật Bản (ảnh: Jiji Press)

Chính sách đầy sức mạnh

Để có được những kết quả nêu trên, Chính phủ Nhật Bản đã và đang phải tập trung xử lý nhiều tồn tại, trong đó nổi lên 2 vấn đề là đồng Yên mất giá và dân số lão hóa. Chính phủ Nhật Bản đã và đang tiến hành đồng thời nhiều biện pháp để giải quyết các vấn đề này. Liên quan đến vấn đề đồng Yên quá yếu, từ tháng 4 đến nay, Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã nhiều lần bơm những khoản tiền khổng lồ vào thị trường để tác động tỷ giá. Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 5 năm ngoái, Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng đã bơm vào thị trường hơn 9.788 tỷ Yên (tương đương khoảng 1 triệu 567 ngàn tỷ Đồng).

Tiếp đó, trong giai đoạn từ 27/6 đến 29/7 đã có thêm gần 5.535 tỷ Yên (tương đương khoảng 886.000 tỷ Đồng) được rót vào thị trường. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là bước đi quyết liệt và kết quả là đồng Yên đang từ 161 Yên/1 USD của ngày 11/7 đã tăng mạnh lên 157 Yên/1 USD vào ngày hôm sau, thậm chí đã có thời điểm tỷ giá đồng Yên tăng lên mức 138 Yên/1USD. Việc Nhật Bản nâng lãi suất ngân hàng sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định hạ sàn lãi suất cũng được coi là cú hích mạnh khiến đồng Yên duy trì được phần nào giá trị.

Về vấn đề dân số lão hóa, dẫn tới thiếu hụt nhân lực, Chính phủ Nhật Bản chủ trương vừa tăng cường sử dụng lao động nước ngoài, vừa tăng cường đào tạo và tạo điều kiện để tái sản xuất sức lao động trong nước. Thủ tướng Ishiba coi vấn đề dân số giảm mạnh là “tình trạng khẩn cấp tĩnh ở cấp độ quốc gia” và là “cuộc chiến tranh thầm lặng”, đồng thời cho biết sẽ áp dụng nhiều biện pháp khắc phục, mà trọng tâm là các bước nhằm cải thiện chế độ lao động như: rút ngắn thời gian làm việc cho người lao động để phục vụ việc nuôi dạy trẻ em, áp dụng chế độ giãn cách thời gian làm việc để đảm bảo sức khỏe cho người lao động...

Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách kinh tế hiện nay, với nòng cốt là Chương trình mục tiêu phát triển các địa phương. Chương trình này không chỉ đơn giản là nhằm phục hồi tăng trưởng của từng địa phương riêng lẻ, mà còn là chính sách quan trọng để vực dậy nền kinh tế của cả đất nước. Các quyết sách này đã mang lại những kết quả tích cực ban đầu. Tuy nhiên vẫn còn những lo ngại cho năm 2025 mà Nhật Bản phải vượt qua để vực lại hoàn toàn nền kinh tế, trong đó có những ảnh hưởng từ chính sách kinh tế của Mỹ tới đây.

Rào cản phải vượt qua

Hiện nay, giới kinh tế Nhật Bản đang rất lo ngại và thận trọng với chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời ông Donald Trump. Đặc biệt, tuyên bố của ông Trump về việc sau khi nhậm chức sẽ tăng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada lên 25% và tăng thêm 10% đối với hàng Trung Quốc, đang gây nhưng lo ngại sâu sắc. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thuộc Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), với mức thuế này, lượng xuất khẩu các mặt hàng thuộc ngành công nghiệp ô tô, thực phẩm, điện tử, thiết bị điện... của Mexico sẽ giảm 3,8%, Canada giảm 1,2% và Trung Quốc là 0,3%.

Hơn nữa, chính sách này được nhận định là sẽ làm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới giảm 0,3%, và đây chưa phải là con số thiệt hại cuối cùng. Các chuyên gia của JETRO cũng nhận định, mặc dù chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể giúp GDP của Nhật Bản tăng thêm 0,2% nhờ vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, tuy nhiên, trong bối cảnh GDP toàn thế giới giảm, nền kinh tế đang đứng thứ tư thế giới này cũng sẽ bị những ảnh hưởng khó lường. Giới kinh tế còn cho rằng, chính sách của ông Trump sẽ làm tỷ giá giữa đồng Yên và đồng USD trở nên bấp bênh hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, với biên độ giao động rất lớn từ 138 Yên~161 Yên/1 USD, nhiều chỉ số kinh tế của Nhật Bản sẽ bị điều chỉnh tăng giảm thất thường và mất tính chính xác, gây khó khăn cho việc làm chính sách và điều hành kinh tế. Vì vậy, mặc dù đã bắt đầu tỏ ra lạc quan với triển vọng phát triển của đất nước, nhưng giới kinh tế vẫn trông chờ ở Chính phủ các biện pháp đối phó hữu hiệu.

Mới đây, các chuyên gia thuộc Hội đồng tư vấn kinh tế - tài chính của Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng khuyến nghị Chính phủ cần có các biện pháp mạnh nhằm sớm bình ổn giá trị đồng Yên so với đồng USD, đồng thời, cần có các bước chuẩn bị để đối ứng với chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời ông Donald Trump, nhằm nâng cao tính bền vững cho cả nền kinh tế trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

PV/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/gam-mau-sang-tuong-lai-kinh-te-nhat-ban-sau-mot-nam-khoi-sac-post1145953.vov
Zalo