Ga Ngọc Hồi - Điểm giao lộ tương tai, 'cú hích' mới cho thị trường bất động sản

Theo quy hoạch mới, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội đã thống nhất xây dựng tổ hợp depot Ngọc Hồi trở thành điểm cuối của các tuyến đường sắt quốc gia; đồng thời, lập tàu khách, tàu hàng đường sắt tốc độ cao khu vực phía Nam Hà Nội trong tương lai. Ga Hà Nội hiện hữu sẽ được chuyển thành ga nội đô.

Khi ga Ngọc Hồi chính thức vận hành, Thanh Trì sẽ trở thành trung tâm giao thông đa phương thức quan trọng của TP Hà Nội, kết nối nội đô chỉ trong vài phút và mở rộng hành trình đến các tỉnh miền Trung, miền Nam. Với vị trí chiến lược, cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ, Thanh Trì không chỉ vươn mình thành điểm sáng giao thương, mà đang trở thành “vùng đất vàng” cho nhà đầu tư bất động sản.

Tổ hợp ga Ngọc Hồi chuẩn bị được xây dựng.

Tổ hợp ga Ngọc Hồi chuẩn bị được xây dựng.

Tổ hợp Ga Ngọc Hồi 19.000 tỷ đồng: Hạt nhân mạng lưới đường sắt và đô thị tương lai

Tháng 6/2024, Bộ Xây dựng đã thống nhất lựa chọn Ga Ngọc Hồi làm ga đường sắt đầu mối của Hà Nội, với tốc độ khai thác tối đa lên tới 160 km/giờ. Đây sẽ là ga kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào trung tâm thành phố, đóng vai trò trung tâm vận tải đa phương thức theo quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

Tổ hợp Ga Ngọc Hồi được quy hoạch trên diện tích khoảng 251 ha, thuộc xã Ngọc Hồi và Liên Ninh, huyện Thanh Trì. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng, gồm: Nhà ga đường sắt tốc độ cao (8 ha), khu depot (102 ha), ga đường sắt quốc gia (14,6 ha), ga hàng hóa (24,6 ha), depot đường sắt đô thị (21 ha) và hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành (18,5 ha).

Theo quy hoạch, Ga Ngọc Hồi đặt tại vị trí chiến lược, phía Đông giáp cụm công nghiệp Ngọc Hồi, phía Tây giáp khu đô thị mới, phía Bắc kết nối với đường vành đai 3.5 (quy hoạch), phía Nam giáp tuyến đường Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh, Ga Ngọc Hồi được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực giao thông cho nội đô, đồng thời trở thành đầu mối giao thông đa phương tiện hiện đại bậc nhất miền Bắc.

Hạ tầng giao thông kết nối với dự án cũng đang được đẩy mạnh: Quốc lộ 1A mở rộng lên 8 làn xe; đường Phan Trọng Tuệ sẽ được mở rộng lên 50 m, với tổng mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026; đường vành đai 3.5 và các trục giao thông hướng Tây đang gấp rút triển khai...

Trong tương lai, theo lộ trình đến năm 2035 và tầm nhìn 2050, hệ thống đường sắt tại Hà Nội sẽ tổ chức theo mô hình hướng tâm, kết nối trực tiếp với các tuyến vành đai phía Đông, phía Tây và các tuyến metro như Yên Viên - Ngọc Hồi, Nội Bài - Ngọc Hồi... Khi đó, Ga Ngọc Hồi không chỉ hoàn thiện mạng lưới giao thông đường sắt Bắc - Nam, mà còn đóng vai trò hạt nhân phát triển các khu đô thị mới theo mô hình giao thông định hướng phát triển (TOD).

Ông Đào Minh Tâm, Trưởng phòng Quy hoạch Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) nhận định: "Vị trí Ga Ngọc Hồi đã được lựa chọn là ga đầu mối phía Nam, kết nối các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và hệ thống vành đai. Tại đây, TP Hà Nội cũng nghiên cứu kết nối các tuyến đường sắt đô thị để trung chuyển hành khách, hình thành trung tâm giao thông đa tầng, đa phương tiện".

Với tổng diện tích khoảng 250 ha, từ quy hoạch đến triển khai thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ hợp Ga Ngọc Hồi có thể tạo lập không gian phát triển đô thị mới, gắn với giao thông công cộng (TOD) tại khu vực Nam Hà Nội.

Bản đồ quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.

Bản đồ quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.

"Khu vực này sẽ tăng các giá trị quỹ đất, đưa ra các lợi thế về mặt vị trí để tăng các nguồn thu cho TP Hà Nội để đầu tư ngược lại cho hệ thống ngân sách đô thị", ông Đào Minh Tâm nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì chia sẻ: "Quốc lộ 1A sẽ cơ bản hoàn thành kết nối khu vực vào cuối năm 2025. Các tuyến đường kết nối với phía Tây, khu vực Thanh Oai cũng đã hoàn thiện cơ bản đến nút giao với tổ hợp ga Ngọc Hồi. Ngoài ra, đường vành đai 3.5 hiện đang được Thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng".

Theo tính toán sơ bộ, mô hình TOD quanh Ga Ngọc Hồi dự kiến sẽ mang lại nguồn thu từ khai thác quỹ đất, thương mại dịch vụ lên tới ít nhất 22 tỷ USD, trở thành một nguồn lực kinh tế lớn cho Hà Nội trong những thập kỷ tới.

Các chuyên gia dự báo, giá trị bất động sản quanh khu vực Ngọc Hồi có thể tăng từ 20 - 30% chỉ trong vòng 2 - 3 năm tới, khi các công trình hạ tầng trọng điểm đồng loạt vận hành.

Sóng hạ tầng bùng nổ, bất động sản thương mại liên kế trở thành "điểm nóng" đầu tư

Trong bối cảnh hạ tầng bứt tốc, bất động sản thương mại liên kế quanh Ga Ngọc Hồi nổi lên như phân khúc đầu tư giàu tiềm năng nhất. Với khả năng khai thác "3 trong 1": Để ở, kinh doanh, cho thuê, dòng sản phẩm này ghi nhận tỷ suất lợi nhuận cho thuê đạt 4 - 5%/năm, cao hơn mặt bằng lãi suất ngân hàng, đồng thời mức tăng giá 10 - 18% chỉ sau 6 - 12 tháng, theo khảo sát các đơn vị môi giới. Đặc biệt, các khu vực gần đường Phan Trọng Tuệ, Quốc lộ 1A và Vành đai 3.5 được đánh giá cao nhờ lưu lượng giao thông lớn và mật độ dân cư đông đúc.

Trong số các dự án nổi bật, nhiều môi giới bất động sản cho biết, dự án Palmy Biztown đang dẫn đầu về tiềm năng đầu tư. Tọa lạc ngay mặt tiền đường Phan Trọng Tuệ (đường 70), dự án phát triển 142 căn bizhouse trên diện tích hơn 20.000 m², với thiết kế hiện đại, linh hoạt phục vụ nhiều loại hình kinh doanh: Từ quán cà phê, cửa hàng thời trang, spa đến văn phòng khởi nghiệp. Vị trí chiến lược của dự án giúp cư dân Palmy Biztown chỉ mất 3 phút để tiếp cận chợ Cầu Tó, Trường THPT Ngô Thì Nhậm, công viên Chu Văn An và chỉ 10-15 phút tới bệnh viện K Tân Triều, Bến xe Nước Ngầm hay khu đô thị Linh Đàm.

Dự án Palmy Biztown tọa lạc tại mặt tiền đường Phan Trọng Tuệ (đường 70) đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Dự án Palmy Biztown tọa lạc tại mặt tiền đường Phan Trọng Tuệ (đường 70) đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Các chuyên gia dự đoán, khi đường Phan Trọng Tuệ hoàn thiện và ga Ngọc Hồi chính thức đi vào vận hành, giá trị các bizhouse tại Palmy Biztown được kỳ vọng có thể tăng 25 - 30%, tương tự những gì từng diễn ra tại Hà Đông hay Long Biên trước đây.

Chị Nguyễn Ngọc Lan, một nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội, chia sẻ lý do sẵn sàng đầu tư một căn nhà thương mại liên kế gần đường Phan Trọng Tuệ, với mức giá 125 triệu đồng/m²: "Tôi tin vào sự bứt phá hạ tầng. Ga Ngọc Hồi, đường 70 mở rộng và Vành đai 3.5 sẽ là những đòn bẩy tạo nên sự khác biệt cho khu vực này".

Thực tế cho thấy, Thanh Trì đang đứng trước giai đoạn "vàng" để bứt phá. Bên cạnh Ga Ngọc Hồi, các dự án giao thông trọng điểm như tuyến Metro số 8 (Mễ Trì - Ga Hà Nội) và đường sắt đô thị số 1 đang được xúc tiến mạnh mẽ, góp phần hình thành mạng lưới kết nối liên vùng hiện đại.

Nhà thầu đang tập trung máy móc, nhân lực thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi.

Nhà thầu đang tập trung máy móc, nhân lực thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi.

Anh Hoàng Minh, môi giới lâu năm tại Thanh Trì chia sẻ: "Trong số nhiều dự án bất động sản, Palmy Biztown là dự án bất động sản liên kế đang hút khách nhờ giá từ 120 triệu đồng/m² và vị trí ngay trung tâm giao thương. Với Ga Ngọc Hồi cách vài km, dự án này sẽ hưởng lợi lớn từ nhu cầu kinh doanh tăng vọt. Tôi kỳ vọng giá trị bizhouse tăng 25 - 30% trong tương lai".

Có thể thấy, Ga Ngọc Hồi không chỉ là công trình giao thông đơn thuần, mà còn là biểu tượng của sự phát triển chiến lược, mở ra kỷ nguyên mới cho Thanh Trì, vùng đất "ngủ quên" trở thành tâm điểm phát triển năng động, sôi động bậc nhất phía Nam Hà Nội. Với tổ hợp ga hiện đại, hệ thống kết nối đồng bộ và sự phát triển bất động sản sôi động, Thanh Trì đang đứng trước cơ hội trở thành điểm sáng đầu tư và phát triển bền vững trong tương lai gần.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ga-ngoc-hoi-diem-giao-lo-tuong-tai-cu-hich-moi-cho-thi-truong-bat-dong-san-20250425085246503.htm
Zalo