FPT Telecom về Bộ Công an: Cuộc chơi viễn thông bước sang giai đoạn mới
Việc Bộ Công an tiếp nhận quyền đại diện phần vốn nhà nước tại FPT Telecom đang mở ra một chương mới cho thị trường viễn thông, có thể tạo ra làn sóng chuyển biến trong lĩnh vực dữ liệu, an ninh mạng và cạnh tranh giữa các nhà mạng.

FPT Telecom là một trong những doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin. Ảnh: FPT
Sáng 16/7, Bộ Công an chính thức tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Đây là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực viễn thông, sở hữu hạ tầng cáp quang trên toàn quốc, cung cấp dịch vụ Internet, truyền hình và trung tâm dữ liệu (data center) cho hàng triệu người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
Việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom từ SCIC về Bộ Công an được thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, nhằm tăng cường tiềm lực cho Bộ Công an trong thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là trong đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin và viễn thông chuyên dùng trong tình hình mới.

Đại diện Bộ Công an và SCIC ký kết biên bản bàn giao. Ảnh: Bộ Công an.
Động thái này nối tiếp một loạt bước đi trước đó khi Bộ Công an từng tiếp nhận quyền quản lý tại MobiFone và một số doanh nghiệp trọng yếu khác. Việc Bộ trực tiếp quản lý một nhà cung cấp viễn thông lớn cho thấy sự dịch chuyển chiến lược trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu và bảo vệ hạ tầng số của quốc gia.
Việc FPT Telecom về Bộ Công an có thể giúp tăng cường giám sát an ninh mạng từ gốc, đặc biệt trong bối cảnh các hạ tầng thiết yếu như cáp quang biển, hệ thống DNS hay trung tâm dữ liệu đang trở thành mục tiêu của tin tặc quốc tế.
Với việc Bộ Công an hiện diện tại hai nhà mạng lớn là MobiFone và FPT Telecom, thế cân bằng trong thị trường viễn thông đang dịch chuyển. Trong khi Viettel và VNPT vẫn nằm trong hệ thống Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.
Giới chuyên môn dự báo, FPT Telecom có thể được hỗ trợ mạnh mẽ về pháp lý, tài chính và chiến lược để tham gia sâu hơn vào các dự án trọng điểm như phủ sóng mạng vùng sâu vùng xa, xây dựng hạ tầng số và phòng chống chiến tranh mạng.
Bộ Công an nhiều lần khẳng định mục tiêu khi tiếp nhận doanh nghiệp là nhằm “bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền không gian mạng và quyền lợi người dân”. Nhưng trong bối cảnh hội nhập sâu, không gian số không chỉ là nơi bảo vệ mà còn là môi trường phát triển.
Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom từ SCIC về Bộ Công an, khẳng định đây là một chính sách chiến lược đảm bảo về an ninh dữ liệu, an ninh chủ quyền số quốc gia trong thời kỳ mới, đồng thời bày tỏ tin tưởng Bộ Công an sẽ tiếp tục phát huy tiềm lực và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để FPT Telecom tiếp tục lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng trong Đề án 06 về xây dựng chính phủ số, xã hội số và các nền tảng dữ liệu quốc gia.