Festival Ninh Bình - Dòng chảy di sản sẽ được xây dựng thành bản sắc riêng

Festival Ninh Bình lần thứ 3 năm nay có 5 hoạt động đặc sắc, ấn tượng, có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng và định vị thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ của tỉnh Ninh Bình.

"Dòng chảy di sản" là chủ đề năm nay, được lấy ý tưởng từ hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam - hành trình lập đô, dời đô, định đô của các bậc đế vương.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, với 22 triều đại, có 3 kinh đô lớn nhất, ổn định lâu đời nhất, gắn với nhiều triều đại phong kiến nhất và cũng là những cột mốc, bước ngoặt lớn trong lịch sử mang tính ảnh hưởng đến vận mệnh của dân tộc, vị thế của quốc gia Đại Việt.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - Phó trưởng Ban tổ chức Festival.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - Phó trưởng Ban tổ chức Festival.

"Dòng chảy di sản" khởi đầu từ kinh đô Hoa Lư - Ninh Bình gắn với sự nghiệp lẫy lừng của Đinh Tiên Hoàng Đế - người có công đầu và lớn nhất trong việc tạo ra nền tảng thống nhất cho một quốc gia, mở đầu cho một kỷ nguyên độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc với Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, tạo ra nền văn hóa kinh kỳ - đô hội còn tiếp nối vang vọng đến ngày nay.

Chính từ mảnh đất này, Đức Lý Thái Tổ đã giong buồm tìm đến với Thăng Long, nơi bốn phương hội tụ, để định đô cho con cháu muôn đời với những mốc son oanh liệt và sự phát triển rực rỡ hưng thịnh trải dài suốt ngàn năm.

Để rồi từ Thăng Long, qua bao biến thiên của lịch sử, các đời chúa Nguyễn đã mở mang bờ cõi, xây dựng kinh đô Huế, nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc với nhiều dấu ấn thăng trầm của lịch sử, để hôm nay chúng ta có một dải đất Việt Nam trải dài mang dáng hình chữ S và vươn ra biển Đông.

Với ý tưởng đồ sộ này, hành trình sẽ kết nối di sản với ba điểm nhấn là ba kinh đô xưa: Kinh đô Hoa Lư, Kinh đô Thăng Long và Kinh đô Huế - đều là những Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, là dòng chảy hơn một thiên niên kỷ của lịch sử Việt Nam.

Dòng chảy lịch sử đó đã hình thành nên những di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo và quý giá của dân tộc, trường tồn với thời gian.

Một điểm mới lạ của Festival năm nay là không gian Hội quán Dục Thúy là không gian triển lãm thơ đương đại ngoài trời kết hợp với trải nghiệm thưởng trà, ngâm thơ, ngắm trăng và nghe nhạc cổ truyền theo phong cách dân gian. Chương trình nghệ thuật Ninh Bình - Sao Mai với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng bước ra từ cuộc thi Sao Mai những năm vừa qua.

Festival Ninh Bình góp phần xây dựng và định vị thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ của tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: QĐND)

Festival Ninh Bình góp phần xây dựng và định vị thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ của tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: QĐND)

Chương trình Lễ hội đường phố tại Cổng Tam quan, đường Tràng An, thành phố Ninh Bình, với các phần trình diễn trang phục, cổ phục truyền thống và biểu diễn nghệ thuật đường phố do các đoàn nghệ thuật của các địa phương trong và ngoài tỉnh Ninh Bình tham gia trình diễn.

Đặc biệt, lần đầu tiên, một Đại nhạc hội dân gian điện tử được tổ chức như một lời chào kết để Bế mạc Festival Ninh Bình vào 20h ngày 30/11 tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham, tỉnh Ninh Bình. Đó là một bữa tiệc âm nhạc dân gian đương đại kết nối các thế hệ người yêu nhạc mang tên "Í A Fest".

"Í A Fest" là cuộc đối thoại giữa dân gian và đương đại, giữa quá khứ với tương lai, giữa di sản và thời đại, giữa không gian và thời gian, bằng sự giao thoa của giữa âm thanh và trải nghiệm thị giác.

Đó là khi âm nhạc Phương Đông giao hòa cùng âm nhạc Phương Tây, khi các bộ môn nghệ thuật "pha trộn" với nhau để cùng tạo nên bữa tiệc âm nhạc độc đáo đến từ sự tương phản. "Í A Fest" sẽ là điểm kết thể hiện sự "vươn tầm" của chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Festival Ninh Bình, thể hiện sự giao thoa, hội nhập, tiếp biến và trao truyền các loại hình nghệ thuật đã trở thành di sản để lan tỏa đến sâu rộng trong công chúng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - Phó trưởng Ban tổ chức Festival cho biết: "Hiện nay, toàn tỉnh có 1.821 di tích, trong đó có 01 di sản thế giới, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 78 di tích quốc gia; có 6 Bảo vật quốc gia, 393 di sản văn hóa phi vật thể.

Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở Ninh Bình đã và đang trở thành nguồn lực có ý nghĩa quan trọng trong phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, di tích cổ kính, hàng năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm lễ hội được tổ chức ở các cộng đồng dân cư, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong vùng, trong nước và quốc tế, tiêu biểu là lễ hội Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Tràng An…

Hoạt động lễ hội đường phố sẽ thu hút các loại hình văn hóa, di sản của cả nước hội tụ tại Festival Ninh Bình (Ảnh: QĐND).

Hoạt động lễ hội đường phố sẽ thu hút các loại hình văn hóa, di sản của cả nước hội tụ tại Festival Ninh Bình (Ảnh: QĐND).

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể có sức ảnh hưởng rộng rãi là Nghệ thuật hát chèo, hát xẩm, hát chầu văn... Các làng nghề truyền thống như thêu ren, chạm khắc đá, gốm sứ…

"Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ xây dựng Festival Ninh Bình trở thành thương hiệu, bản sắc riêng của tỉnh Ninh Bình để duy trì tổ chức theo theo định kỳ góp phần từng bước hiện thực hóa chủ trương, định hướng của tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn có giá trị cao về du lịch, công nghiệp văn hóa và tổ chức sự kiện quốc gia, khu vực và quốc tế", ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Các hoạt động trọng tâm của Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 bao gồm 5 hoạt động đặc sắc, ấn tượng: Khai mạc Festival Ninh Bình vào 20h ngày 24/11tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Ninh Bình.

Hội quán Dục Thúy Sơn từ ngày 26/11 đến ngày 27/11 tại công viên Núi Thúy, thành phố Ninh Bình. Chương trình nghệ thuật Ninh Bình - Sao Mai hội tụ vào 20h ngày 28/11 tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình.

Lễ hội đường phố vào ngày 29/11 tại Cổng Tam quan, đường Tràng An, thành phố Ninh Bình; và Bế mạc Festival Ninh Bình vào 20h ngày 30/11 tại khu du lịch sinh thái Thung Nham, tỉnh Ninh Bình.

Chương trình dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình và các nền tảng mạng xã hội.

An Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/festival-ninh-binh-dong-chay-di-san-se-duoc-xay-dung-thanh-ban-sac-rieng-19224103013010872.htm
Zalo