Ferrari - không phải có tiền là mua được
Sở hữu hàng chục chiếc Ferrari, tham gia tất cả khóa học của họ và quảng bá thương hiệu này nhưng David Lee vẫn không được vào danh sách chờ mua siêu phẩm LaFerrari.
Vốn là chủ tịch một tập đoàn kinh doanh đồng hồ và trang sức, triệu phú David Lee có nền tảng vững chắc cho niềm đam mê siêu xe của mình. Ông sưu tầm những thương hiệu như Rolls-Royce, Porsche, Lamborghini và Ferrari. Trong đó, Ferrari là thương hiệu ông yêu thích nhất.
Bộ sưu tập Ferrari của Lee bao gồm hơn 30 chiếc và có giá lên đến 50 triệu USD. Với quy mô này, bộ sưu tập Ferrari của Lee được đánh giá thuộc hàng khủng trên thế giới, bên cạnh những cái tên nổi tiếng như Ralph Lauren hay Jay Leno. Nổi bật nhất trong dàn Ferrari của David Lee là Ferrari Big 5 bao gồm: 280 GTO, F40, F50, Enzo và LaFerrari - 5 chiếc đại diện cho 5 thế hệ tiêu biểu của Ferrari trong những thập niên gần đây.
Trong bộ sưu tập 50 triệu USD, một số được David Lee mua từ hãng và một số phải mua sang tay với số tiền đắt hơn rất nhiều. Triệu phú này mua nhiều đến nỗi ông có mối quan hệ thân thiết với các đại lý Ferrari lớn nhất trong vùng. Lee thường xuyên tham gia các khóa học lái xe của Ferrari cũng như đến thăm nhà máy của hãng này.
Bên cạnh việc mua xe, David Lee còn góp phần phục hồi lại những mẫu Ferrari cổ. Những mẫu xe này thường được David Lee mang đến lễ hội Pebble Beach và những sự kiện lớn về xe.
Từ đâu mà David Lee có một nền tảng kinh tế vững chắc cho việc sưu tầm xe như vậy? Ông hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn Hing Wa Lee. Tập đoàn Hing Wa Lee được thành lập bởi cha của David Lee - ông Hing Wa Lee.
Xuất thân là thợ cắt tóc tại Hong Kong, Hing Wa Lee di dân sang Mỹ vào những năm 1970. Tại Mỹ, Hing Wa Lee nhận ra tiềm năng của ngành trang sức nên đã lập ra công ty trang sức Hing Wa Lee, nhưng với quy mô chỉ là công ty gia đình.
Đến tay David Lee, Hing Wa Lee mới phát triển thành quy mô tập đoàn, trở thành một đế chế với các siêu thị bán lẻ trang sức và đồng hồ cao cấp. Theo định giá của tạp chí Forbes, tập đoàn Hing Wa Lee có giá trị khoảng 300 triệu USD.
Năm 2016, David Lee đặt mua một lúc 4 chiếc Ferrari chính hãng. Mục đích chính của triệu phú này không phải là sở hữu những chiếc xe mới. Với 4 chiếc xe mới đặt và hàng loạt danh tiếng trước đó, David Lee hy vọng sẽ lọt vào danh sách khách hàng đặc biệt của Ferrari, qua đó được suất mua siêu xe hàng hiếm LaFerrari Aperta.
LaFerrari là siêu xe hybrid đầu tiên của Ferrari và phiên bản mui trần Aperta có giá xuất xưởng khoảng 2,2 triệu USD. Chỉ có 200 chiếc LaFerrari Aperta được sản xuất.
David Lee đã bị Ferrari dội gáo nước lạnh. Chẳng có lá thư mời mua xe nào gửi đến văn phòng của vị triệu phú này. Dù khối tài sản không quá ấn tượng, David Lee được đánh giá là "sùng Ferrari" và "sưu tầm Ferrari bằng cả trái tim". Thật bất ngờ khi Ferrari lại bỏ qua một người tâm huyết với những chiếc siêu xe mang logo ngựa chồm như Lee.
Câu chuyện David Lee bị Ferrari từ chối mua LaFerrari Aperta đã trở thành đề tài bàn tán của những người chơi xe tại Mỹ. Trước đó, vì bị Ferrari từ chối bán chiếc LaFerrari nên Lee đã làm một việc mà sau này là nguyên nhân bị Ferrari từ chối lần 2.
Chúng ta cũng không thể trách Ferrari khi họ từ chối David Lee. Khác với những hãng siêu xe "đại trà", Ferrari luôn đảm bảo "sự hiếm có", "sự độc quyền" cho những chủ nhân sở hữu siêu xe mang logo ngựa chồm.
Bên cạnh đó, Ferrari còn là hãng hiếm hoi chưa xâm nhập phân khúc SUV. Trong khi đối thủ Lamborghini khá thành công với Urus, Bentley cũng có Bentayga và Rolls-Royce cũng phá lệ với Cullinan.
Không phải tất cả xe của Ferrari đều có giá "trên trời" nhưng những mẫu xe phổ thông của hãng này cũng không hề rẻ. Mẫu xe rẻ nhất của Ferrari là chiếc California T cũng có giá xuất xưởng hơn 210.000 USD. Thỉnh thoảng, Ferrari sẽ tung ra những phiên bản đặc biệt, phiên bản giới hạn có giá trị cực cao. Những phiên bản này thường chiếm chỉ 1% sản lượng xe của Ferrari, để đảm bảo những siêu xe đó là hàng hiếm, độc quyền.
Với số lượng siêu xe phiên bản đặc biệt khá hạn chế, Ferrari đã lọc ra một danh sách những khách hàng "thân thiết" nhất của hãng và gửi họ một thư mời mua xe. Đương nhiên, chẳng ai có thể bỏ qua lời mời này, trừ khi họ gặp trục trặc về tài chính.
Bằng cách tạo ra mối quan hệ cung - cầu khôn khéo, Ferrari đã mang về lợi nhuận khổng lồ. Trong năm 2016, Ferrari chỉ xuất xưởng khoảng 8.014 chiếc siêu xe nhưng thu về lợi nhuận ròng đến 3,4 tỷ USD. Đây là lợi nhuận thực tế của hãng, sau khi đã hạch toán thuế và tất cả chi phí liên quan. Ngoài việc bán xe, lợi nhuận của Ferrari còn đến từ việc bán linh kiện và các hoạt động khác.
Ngay cả khi lọt vào danh sách chờ mua LaFerrari bản mui cứng, 400 vị khách được chọn phải ký cam kết không được bán lại chiếc xe trong 18 tháng đầu. Sự cam kết này nhằm đảm bảo quyền lợi cho những khách hàng khác, những người "được chọn" và phải xứng đáng với giá trị chiếc xe. Những người bị ràng buộc bởi hợp đồng này có cả đầu bếp danh tiếng Gordon Ramsay, rocker Sammy Hagar và tay đua F1 Felipe Massa.
Theo nhà sưu tầm xe nổi tiếng David Christian, Ferrari không quan tâm đến việc bạn có bao nhiêu tiền. Hãng siêu xe Italy chỉ cần biết bạn đã sở hữu bao nhiêu chiếc Ferrari. Nếu garage của bạn chưa có đủ 10 chiếc Ferrari, đừng mong lọt vào danh sách chờ mua các phiên bản đặc biệt của Ferrari.
Đến khi nhận ra là mình đã bị từ chối mua chiếc LaFerrari Aperta, Lee vẫn không biết được lý do chính xác. Trong garage của triệu phú này có hơn 10 chiếc Ferrari, đó là điều chắc chắn. Lee cũng có đóng góp cho thương hiệu Ferrari trong gần 10 năm qua, những điều này cũng được ghi nhận. Hãng siêu xe Italy từ chối bình luận về sự việc này.
Theo một số chuyên gia lâu năm về xe, Ferrari không thích cách chơi xe của Lee. Họ ghét sự ồn ào và vị triệu phú này lại thích điều đó. Bruce Meyer - nhà sưu tầm kiêm thành viên bảo tàng xe Petersen - cũng đồng tình với Ferrari khi từ chối David Lee. "Những người sở hữu Ferrari luôn cố gắng làm cho chiếc xe trở nên có giá trị hơn" Meyer cho hay.
Cũng theo Meyer, chính lối sống khoa trương đã chống lại triệu phú này. Đầu tiên, David Lee đã đặt tên cho tài khoản Instagram của ông là @ferraricollector_davidlee. Điều này làm những nhà sưu tầm Ferrari khác cũng như hãng siêu xe Italy cảm thấy "ngứa mắt".
"Lee đặt tên tài khoản là nhà sưu tầm Ferrari nhưng lại đăng tất cả ảnh về những hãng siêu xe khác (dù ảnh về Ferrari vẫn chiếm phần lớn) và khoe khoang về đồng hồ, rượu, trang sức. Việc Lee khoe khoang chẳng khác nào những kẻ trọc phú mới nổi. Đa số những nhà sưu tầm Ferrari đều là những nhân vật kín tiếng và họ ghét bị đánh đồng" Meyer cho hay.
Những chiếc Ferrari còn xuất hiện tại các sự kiện "Cars and Chronos" được tổ chức hàng tháng tại trung tâm thương mại thuộc sở hữu của David Lee.
Đến những cố vấn xung quanh Lee còn nhận ra sự khoa trương không cần thiết của ông. Không ít lần, những cố vấn đã khuyên vị triệu phú này giảm bớt các phương tiện trên mạng xã hội.
Khi mới bắt đầu sưu tầm siêu xe, Lee đã rất ngạc nhiên khi nhận ra tiền không phải là yếu tố quyết định để mua những chiếc Ferrari ông thích. Từ đó, Lee dần kết thân với Giacomo Mattioli - nhân viên bán xe sang tại Beverly Hills. Mattioli là người Italy chính gốc, là cựu nhân viên cấp cao của Ferrari và là chồng cũ của cháu gái Enzo Ferrari.
Từ đó, Lee được hướng dẫn cách vào "câu lạc bộ" - một danh sách khách hàng VIP của Ferrari. Với sự tư vấn của Mattioli, David Lee bắt đầu đầu tư vào những chiếc Ferrari bất chấp sự phản đối của những người xung quanh.
Lee mua chiếc 275 GTS 1965 rồi đến Enzo đời 2003. Sau đó, triệu phú này đổ tiền mua từ hãng 458 Speciale và 488 Spider. Theo Lee, ông không thực sự thích một số chiếc nhưng vẫn phải mua vì mục đích vào "câu lạc bộ".
Nếu chỉ xuống tiền mua xe, bạn vẫn chưa đủ thành ý. Sau đó, Lee bỏ ra 25.000 USD cho câu lạc bộ lái xe của Ferrari, 12.000 USD cho 2 ngày học lái với Ferrari. Ngoài ra, Lee còn chi thêm hàng chục nghìn USD cho các chương trình đua xe chuyên nghiệp của Ferrari.
Bên cạnh đó, Lee còn mang những chiếc Ferrari cổ đến những lễ hội danh tiếng như Pebble Beach, Concorso Italiano để "lấy lòng" Ferrari.
Sau khi trượt "câu lạc bộ" Ferrari và không thể mua chiếc LaFerrari từ hãng, David Lee đã liên hệ với một đại lý siêu xe nổi tiếng để tìm giúp ông chiếc siêu xe đã qua sử dụng. Do hợp đồng cấm bán lại trong thời gian 18 tháng, việc mua xe của Lee trở nên khó khăn hơn. Cuối cùng, một trong những người sở hữu chiếc LaFerrari đầu tiên ở Bắc Mỹ đã đồng ý bán lại cho Lee.
Để không vi phạm hợp đồng 18 tháng với Ferrari, Lee chấp nhận chỉ lấy xe và đợi đến hết 18 tháng mới hoàn thành giấy tờ. Đương nhiên, mức giá Lee bỏ ra cho chiếc LaFerrari này không hề rẻ, thậm chí được đồn đoán là giá đắt gấp đôi mức giá xuất xưởng 1,4 triệu USD.
Dù mua với giá gần 3 triệu USD, đây là khoản đầu tư có lãi của Lee. Ở năm 2017, một chiếc LaFerrari "chạy lướt" đã có giá 4 triệu USD. Đến nay, con số này đã tăng lên 5 triệu USD và còn hứa hẹn tăng đều trong những năm tới.
Tuy nhiên, việc Lee "mua chui" chiếc LaFerrari đã làm Ferrari tức giận và tiếp tục loại Lee khỏi danh sách chờ mua LaFerrari Aperta.
"Tôi có tình yêu không giới hạn đối với Ferrari và tôi muốn chia sẻ những gì tôi có được với cộng đồng. Đó cũng là cách quảng bá cho Ferrari. Nếu Ferrari nghĩ rằng những điều tôi làm là quảng bá cho bản thân thì tôi cũng đành chịu" Lee đáp trả những bình luận cho rằng ông đang "phổ thông hóa" hình ảnh của Ferrari.
Sau những chỉ trích, David Lee vẫn như vậy, vẫn hăng hái, vô tư và tự hào khi nói về những chiếc Ferrari của mình. David Lee chưa bao giờ từ chối lời đề nghị được chiêm ngưỡng garage dưới lòng đất, nơi chứa những chiếc Ferrari quý giá nhất của Lee, dù đó chỉ là những fan của ông.
Garage dưới lòng đất chỉ là nơi chứa những chiếc Ferrari được Lee yêu mến nhất vì diện tích có giới hạn. Những chiếc Ferrari "rẻ tiền" và những mẫu siêu xe khác (kể cả Pagani Huayra) được cất ở một nơi khác.
Cuối garage là vị trí của chiếc 250 Lusso Competizione 1964 hàng hiếm (một trong bốn chiếc được xác nhận tồn tại), được ông định giá khoảng 5 triệu USD. Một chiếc xe quý hiếm khác là chiếc xe đua F1 của Michael Schumacher, có giá khoảng 3 triệu USD.
Một hàng dài màu đỏ Ferrari Big 5 bao gồm: 280 GTO, F40, F50, Enzo và LaFerrari có giá khoảng 15 triệu USD. Ngoài đam mê, những chiếc Ferrari còn là khoản đầu tư sinh lãi khi giá trị những chiếc xe ngày càng tăng, vượt xa số tiền mà Lee đã bỏ ra để sở hữu chúng.
Tình yêu với Ferrari của David Lee bắt đầu từ hơn 20 năm trước khi Lee sở hữu chiếc F355 Spider - chiếc Ferrari đầu tiên của ông. Lee sử dụng chiếc F355 Spider trong suốt 10 năm và nhận ra tình yêu đặc biệt của mình với siêu xe.
Từ đó, triệu phú này bắt đầu sưu tầm thêm Ferrari Enzo, Porsche Carrera GT và chiếc Lamborghini Diablo 6.0. Ở thời điểm đó, đây là bộ ba siêu đỉnh cao. Khoảng 7 năm trước, David Lee mua chiếc Ferrari 275 GTS đời 1965 và rồi bị cuốn hút ngay lập tức bởi thương hiệu ngựa chồm.
"Mỗi nhà sưu tầm siêu xe đều có cách "chơi" của riêng mình. Với số tiền đã bỏ ra, tôi có thể sở hữu hơn 100 siêu xe. Nhưng không, tôi tự giới hạn số lượng siêu xe của mình trong khoảng 40 chiếc, bao gồm khoảng 30 mẫu Ferrari và 10 chiếc cho các thương hiệu khác" David Lee tâm sự về cách sưu tầm xe của mình.
"Trừ những siêu xe cực hiếm hoặc không thể chạy ra phố như chiếc F1, tôi còn khoảng 30 chiếc xe, phù hợp cho việc lái một chiếc/ngày. Ra đường tối thiểu một lần/tháng sẽ tốt cho chiếc xe hơn là cứ cất chúng trong garage từ ngày này qua tháng nọ".
Mặc dù trong garage có Porsche Speedster, 2 chiếc Rolls-Royce và Pagani Huayra, Ferrari mới là hãng xe Lee nghĩ đến mỗi ngày.
David Lee dường như không từ bỏ ý định sưu tập Ferrari của mình, mặc cho sự đối xử mà thương hiệu Prancing Horse dành cho ông. Sau giai đoạn bị Ferrari từ chối, David Lee tiếp tục mua thêm khá nhiều mẫu Ferrari, có thể ra vài cái tên như: Testarossa, 360 Stradale Challange, FF, California, 458 Speciale, 488 GTB Spider, F12 Berlinetta, F12 TdF và một loạt Ferrari cổ trị giá hàng triệu USD.
Sau tất cả, Ferrari đã dành một tín hiệu tích cực khi gợi ý bán lại chiếc F1 của tay đua huyền thoại Michael Schumacher cho David Lee. Đương nhiên, triệu phú này không bỏ qua cơ hội “lấy điểm” với hãng siêu xe Italy.