Fed định hình lại không gian chính sách tiền tệ trên toàn cầu

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kích hoạt chu kỳ nới lỏng tiền tệ bằng việc cắt giảm lãi suất một cách táo bạo và quyết tâm không tụt hậu đã định hình lại ranh giới chính sách cho các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu.

Tạo không gian để hiệu chỉnh các thiết lập lãi suất

Châu Âu và hầu hết các quốc gia phát triển khác - nơi các quan chức tiền tệ nhấn mạnh rằng, các quyết định tiền tệ của Washington không ảnh hưởng đến quỹ đạo chính sách của riêng họ - hiện có thể an tâm với tuyên bố ngày 18/9 của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng nền kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng tốt.

Việc Fed cắt giảm 0,5% lãi suất sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá hối đoái vốn chịu tác động của lãi vay cao nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Pixabay

Việc Fed cắt giảm 0,5% lãi suất sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá hối đoái vốn chịu tác động của lãi vay cao nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Pixabay

Tại các thị trường mới nổi, việc Fed cắt giảm 0,5% lãi suất giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá hối đoái vốn chịu tác động của lãi vay cao nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Điều đó tạo không gian để hiệu chỉnh lại các thiết lập lãi suất của riêng họ. Đơn cử Indonesia đã bất ngờ cắt giảm lãi suất ngay trước khi Fed ra quyết định nới lỏng tiền tệ đầu tiên sau 4 năm.

Chủ tịch Fed và các đồng nghiệp phải đối mặt với một số rủi ro khiến công chúng lo sợ rằng rủi ro suy thoái đang gia tăng khi Fed cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự đoán của hầu hết các nhà kinh tế.

Thay vào đó, ông Powell đưa ra lời trấn an, khẳng định rằng sự kiên nhẫn của Fed trong không hành động lãi suất thời gian qua đã mang lại "lợi ích" bằng cách thúc đẩy niềm tin lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất kể từ những năm 1980 đã được chế ngự.

Động thái cắt giảm lãi suất ngày 18/9 của Fed là "một dấu hiệu cho thấy cam kết của chúng tôi không tụt hậu" so với xu hướng chung, Chủ tịch Fed nhấn mạnh. Các nhà đầu tư ban đầu phản ứng với sự tự tin, nhưng sau đó chứng khoán Mỹ đóng cửa với mức giảm khiêm tốn.

"Việc Fed cắt giảm 0,5% lãi suất sẽ chi phối quyết định lãi suất của các ngân hàng trung ương khác và khiến những người tham gia thị trường đi đến kết luận rằng nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, có thể dẫn đến sự suy thoái toàn cầu", ông Stefan Gerlach, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng EFG (Thụy Sĩ) và là cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, nhận định.

Động thái của Fed có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu cân nhắc hạ lãi suất thêm một lần nữa vào tháng tới, tức là đợt cắt giảm thứ ba kể từ tháng 6/2024, một lựa chọn "mà họ kiên quyết tìm cách phản đối", ông Gerlach nói thêm. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ rơi vào tình thế "cực kỳ khó xử" vì các quan chức tiền tệ của cơ quan này đã bày tỏ lo ngại về đồng franc mạnh lên.

Các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang nỗ lực hết khẳng định rằng họ tự quyết định chính sách tiền tệ. Trước khi ECB cắt giảm lãi suất đợt đầu tiên vào tháng 6 - thời điểm nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng nóng, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã khẳng định rằng động thái cắt giảm lãi suất sẽ được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế, chứ không phải Fed.

Thế nhưng, chính họ cũng thừa nhận rằng chính sách tiền tệ của Mỹ có tác động đáng kể đến nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone). Họ không loại trừ khả năng cắt giảm lãi suất cho vay vào tháng 10, ngay cả khi động thái như vậy là không có khả năng xảy ra, những người thạo tin nói với Bloomberg vào tuần trước.

Cắt giảm lãi suất vào tháng 10 và thêm một đợt vào tháng 12 sẽ khiến ECB và Fed có chung quan điểm về quy mô của các đợt cắt giảm trong năm nay. Ngoài đợt cắt giảm ngày 18/9, các quan chức Fed kỳ vọng lãi suất cơ bản sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản ở một đợt khác, đưa tổng mức cắt giảm lãi suất năm nay là 100 điểm cơ bản.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy những thay đổi về lãi suất của Mỹ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy các quyết định chính sách tiền tệ của châu Âu kể từ năm 2021.

"Ngay cả khi ECB đưa ra quyết định độc lập với Fed, chênh lệch lãi suất so với Fed vẫn có thể gây ra tác động kinh tế thực sự đến Eurozone, do đó, cần phải tính đến điều này", bà Marcello Estevao, nhà kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế, nhận định. Nếu không, nó sẽ dẫn đến rủi ro đồng euro tăng giá, kim ngạch xuất khẩu giảm, nền kinh tế khu vực suy yếu và hứng chịu cú sốc giảm phát.

Tác động mạnh đến các thị trường mới nổi

Tương tự Fed, các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi neo tiền tệ của họ vào đồng đô la Mỹ cũng sẽ phải cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản. Đơn cử, cơ quan tiền tệ Hồng Kông (Trung Quốc) đã cắt giảm lãi suất cơ bản sau động thái ngày 18/9 của Fed.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh được dự đoán giữ nguyên lãi suất cơ bản, trong khi Ngân hàng Trung ương Nam Phi dự kiến sẽ cắt giảm 0,25% lãi suất.

Phản ứng của các thị trường mới nổi đối với các loại tiền tệ thả nổi tự do sẽ không quá rõ ràng.

Adriana Dupita và Alex Isakov, hai nhà phân tích của Bloomberg Economics, dự đoán các nền kinh tế mới nổi sẽ nới lỏng tiền tệ ít hơn Fed trong năm tới.

Ngân hàng Trung ương Indonesia đã nhanh chóng cắt giảm 0,25% lãi suất vào ngày 18/9. Và động thái cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản của Fed đã giải phóng không gian cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở các nước, từ Hàn Quốc đến Ấn Độ.

Tại Nhật Bản, động thái của Fed có thể ảnh hưởng đến quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương nước này. Cơ quan tiền tệ Nhật Bản được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản vào ngày 20/9.

Ông Taro Kimura, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bloomberg Economics, cho biết các dự báo cập nhật vào tháng 10 có thể làm sáng tỏ xu hướng giá cả và tiền lương tăng nóng hơn và thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Trừ khi quyết định của Fed được coi là lời cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều rắc rối nghiêm trọng hơn.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/fed-dinh-hinh-lai-khong-gian-chinh-sach-tien-te-tren-toan-cau-d225373.html
Zalo