Fecon lỗ ròng gần 44 tỷ đồng, lùi thời hạn trả cổ tức

Quý 4/2023, Fecon lỗ ròng gần 44 tỷ đồng cùng với sự 'lao dốc' từ các quý trước, năm 2023 là năm đầu tiên Công ty lỗ kể từ 2008.

Kinh doanh trượt dốc

Fecon là đơn vị hoạt động có tiếng trong lĩnh vực thi công xây dựng nền móng và công trình ngầm. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh năm 2023 của Fecon lại ghi nhận một cú trượt dài.

Tại Quý 1/2023, doanh thu Fecon đạt 609,1 tỷ đồng, lợi nhuận gộp mang về 122,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 2,8 tỷ. Tuy nhiên, công ty ghi nhận lỗ sau thuế cho cổ đông công ty mẹ tới 7 tỷ đồng.

Sang Quý 2/2023, doanh thu thuần đạt 674 tỷ đồng, lãi gộp 124,9 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm xuống so với quý liền trước, chỉ còn 3,9 tỷ đồng. Fecon lỗ sau thuế 1,4 tỷ đồng ngay trong quý này.

Ở Quý 3/2023, doanh thu của Fecon chỉ đạt 547,6 tỷ đồng, giảm 17,6 % so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp mang về chỉ 80,1 tỷ đồng khiến cho công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính tới 655 triệu đồng. Kết thúc quý 3, Fecon chỉ lãi tượng trưng 213 triệu đồng, giảm 71,5% so với năm trước.

Quý 4/2023, FECON không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính và lợi nhuận khác, qua đó lỗ ròng gần 44 tỷ đồng. Đồng thời cũng là năm đầu tiên Công ty lỗ kể từ 2008.

Cuối năm 2023, tiền và các khoản tương đương tiền của FCN gấp 4 lần so với hồi đầu năm, ghi nhận hơn 700 tỷ đồng. Trong khi đó, phía bên kia bảng cân đối, người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng có mức đột biến tương tự, tăng thêm gần 870 tỷ đồng so với một năm trước lên mức cao nhất từ trước tới nay 1.1 ngàn tỷ đồng nhưng không được thuyết minh cụ thể. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FCN nhờ đó dương 409 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 202 tỷ đồng.

Một số biến động đáng kể khác có thể kể đến như trả trước cho người bán ngắn hạn 676 tỷ đồng, so với trước đó con số này đã tăng thêm 440 tỷ đồng. Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh gấp đôi đầu năm, lên 329 tỷ đồng.

Trong năm 2023, cơ cấu công ty con của FCN cũng có vài sự thay đổi. BCTC quý 4 của Công ty xuất hiện thêm những cái tên gồm CTCP FECON Hiệp Hòa, CTCP FECON Phổ Yên. Trong khi đó, CTCP Địa kỹ thuật tiên tiến Raito - FECON từ vị trí công ty liên doanh, liên kết nay nằm trong danh sách các công ty con được hợp nhất. Ngược lại, Công ty TNHH MTV Nguồn Nhân lực FECON không còn hiện diện vào thời điểm cuối năm.

FECON Hiệp Hòa xuất hiện sau khi FCN nhận quyết định từ UBND tỉnh Bắc Giang, qua đó trở thành chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái tại tỉnh Bắc Giang. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1 ngàn tỷ đồng.

Tương tự, ngay từ đầu năm 2023, FECON Phổ Yên được thông báo chính thức trở thành chủ đầu tư dự án khu đô thị Nam Thái (phần diện tích 25 ha) (tên thương mại là dự án khu đô thị Quảng Trường) tại thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư hơn 2.2 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, ở lĩnh vực thế mạnh như thi công nền móng và hạ tầng, FCN ghi nhận trúng loạt gói thầu ở các dự án với tổng giá trị hơn 4.7 ngàn tỷ đồng trong năm qua. Đặc biệt giai đoạn cuối năm, FCN cùng các công ty liên doanh ghi nhận sự đột phá khi mang về loạt gói thầu giá trị lên tới hơn 3.3 ngàn tỷ đồng, là các hạng mục trong các dự án lớn như dự án đầu tư Khu bến Phoenix - Cảng Vũng Áng, Trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4,...

Lùi thời hạn trả cổ tức

CTCP Fecon vừa phát hành thành công lô trái phiếu FCNH2325001, với giá trị 126 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm.

Lô trái phiếu FCNH2325001 được phát hành vào ngày 31/10/2023, hoàn tất phát hành tại ngày 31/12/2023 với thời gian đáo hạn là ngày 30/4/2025. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo bao gồm: 1,5 triệu cổ phần Cổ phần Công ty Cổ phần Fecon (FCN); 10.279.000 Cổ phần Công ty Cổ phần FECON SOUTH (FCS); 10 triệu Cổ phần Công ty Cổ phần Năng lượng Fecon (FCP); 15.604.000 Cổ phần Công ty Cổ phần Công trình ngầm Fecon RAITO (FRU) và 7 triệu Cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Fecon (FCI) thuộc sở hữu của Các Bên Bảo Đảm/ Bên Thế Chấp.

Lô trái phiếu FCNH2325001 được phát hành tại thị trường trong nước, đối tượng chào bán là Cá nhân chuyên nghiệp và Tổ chức chuyên nghiệp, với khối lượng 1.500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành 150 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khối lượng thực tế phát hành chỉ đạt 1.260 trái phiếu, tương ứng với giá trị thực tế phát hành là 126 tỷ đồng. Như vậy, lô trái phiếu nói trên của CTCP Fecon đã không thể phát hành hết 100% khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành.

Fecon vừa qua đã phải thông báo lùi thời gian thanh toán cổ tức 2022 bằng tiền sang quý 1/2024.

Về nguyên nhân lùi thời hạn, HĐQT CTCP Fecon cho biết, trong năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của Công ty gặp nhiều khó khăn do diễn biến của thị trường xây dựng chung không thuận lợi.

Đầu năm 2023, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên tiến độ chào thầu cũng bị ảnh hưởng, việc ký kết hợp đồng bị kéo dài dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền dự kiến thu hồi trong các tháng cuối năm của Công ty.

Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng cao do ảnh hưởng của các đợt tăng lãi suất cuối năm 2022 ảnh hưởng đến cân đối dòng tiền của của công.

Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng tiến hành siết chặt, kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng nên dòng tiền từ các hoạt động này cũng khó khăn hơn.

Trung Hiếu

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/fecon-lo-rong-gan-44-ty-dong-lui-thoi-han-tra-co-tuc-65643.html
Zalo