FECON có tân Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc

Mới đây, CTCP FECON (mã: FCN) đã công bố thông báo thay đổi nhận sự cấp cao. Theo đó, 2 cá nhân được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc điều hành và Phó Tổng giám đốc đều là người đã gắn bó nhiều năm với công ty.

Cùng lúc thay ghế Tổng Giám đốc điều hành và Phó Tổng Giám đốc

CTCP FECON (mã: FCN) vừa công bố thông tin miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Thanh kể từ ngày 5/7. Theo đó, ông Thanh vẫn tiếp tục giữ chức danh Thành viên Hội đồng quản trị công ty.

Đồng thời, FECON cũng thông báo bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng giữ chức vụ Tổng Giám đốc điều hành công ty và ông Trần Trung Hiếu giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 5/7.

Theo giới thiệu, ông Nguyễn Thanh Tùng tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Đại học Hawaii at Manoa/Shilder College of Business. Ông gia nhập FECON từ năm 2019. Ông có 14 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại các công ty và tập đoàn lớn như: Fresenius VAMED Group (Cộng hòa Áo), CIMAS Engineering, AA Corporation, Ecopark, Hawee Group… và tham gia nhiều dự án lớn. Trước khi được bổ nhiệm, ông Nguyễn Thanh Tùng giữ chức Phó Tổng Giám đốc công ty.

Còn ông Trần Trung Hiếu tốt nghiệp ngành chuyên ngành Kỹ sư Thủy điện – Thủy lợi – Cấp thoát nước tại Đại học Bách Khoa TP HCM. Ông có hơn 17 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, bất động sản và kinh qua nhiều vị trí trọng yếu trong các công ty. Ông gia nhập FECON từ tháng 9/2023. Trước khi được bổ nhiệm, ông Trần Trung Hiếu giữ chức Giám đốc dự án của FECON.

CTCP FECON có tiền thân là CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON được thành lập vào năm 2004. Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, trong đó tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm. FCN được ghi nhận là một trong những nhà thầu hàng đầu Việt Nam về kỹ thuật nền móng công trình.

Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 611,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nhưng giá vốn cùng các chi phí tăng nhanh kéo lợi nhuận sau thuế giảm tới 77%, xuống vỏn vẹn 635 triệu đồng.

Trước đó, kể từ năm 2018, lợi nhuận của doanh nghiệp này liên tục lao dốc. Trong đó đỉnh điểm là mức lỗ 42 tỷ đồng trong năm 2023, đây cũng là năm thua lỗ hiếm hoi trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này.

Năm nay, FECON đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2023 và là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động; lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với số lỗ 42 tỷ đồng của năm trước. Kết thúc quý I, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành hơn 1% kế hoạch lợi nhuận.

Đánh giá về tính khả thi của kế hoạch năm, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT cho biết, đây là mục tiêu khả thi do năm 2024 FECON đã ký các hợp đồng khá lớn.

Điển hình là dự án cảng Lạch Huyện 5-6 Hải Phòng, dự án Vũng Áng 2 Hà Tĩnh có giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng, dự án hạ tầng VSIP Cần Thơ, dự án cảng Baria Vũng Tàu và hứa hẹn dự án đường sắt đô thị sẽ triển khai trong năm nay với doanh thu khá hứa hẹn. Hiện tại,FECON cũng đang gấp rút thực hiện các dự án dân dụng đã ký cuối năm 2023 và đang tăng tốc về cả sản lượng và doanh thu các dự án này.

Với kết quả thua lỗ năm 2023, công ty không chia cổ tức cho năm này. Năm 2024, HĐQT đề xuất mức cổ tức tối đa 5% vốn điều lệ bằng tiền.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của FECON đạt 8.472 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm 47,3% tài sản. Hàng tồn kho đạt 1.678 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản. Tiền và các khoản tương đương tiền của FCN sụt giảm 44,5%, về còn 389,4 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của FCN đến cuối quý I ghi nhận 5.109 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 2.814,6 tỷ đồng, giảm 4%, bao gồm cả nợ vay trái phiếu.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/fecon-cung-luc-thay-ghe-tong-giam-doc-va-pho-tong-giam-doc.html
Zalo