Fair Play và chiến thắng

Trong bóng đá, chiến thắng chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được xây dựng trên sự công bằng và tôn trọng. Những giá trị ấy mới là điều giúp bóng đã mãi trường tồn trong lòng người hâm mộ.

Trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 giữa Việt Nam và Thái Lan vào tối 5/1/2025, đã xảy ra một tình huống gây tranh cãi về tinh thần fair-play. Phút 64 của trận đấu, khi tiền vệ Hoàng Đức của Việt Nam bị đau và nằm trên sân, thủ môn Đình Triệu đã chủ động ném bóng ra ngoài biên để đội ngũ y tế vào chăm sóc đồng đội.

 Bàn thắng của tiền vệ tuyển Thái Lan Supachok Sarachat vào lưới đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết ASEAN Cup 2024 bị đánh giá là thiếu tinh thần fair-play. Ảnh: TC Du lịch TP.HCM

Bàn thắng của tiền vệ tuyển Thái Lan Supachok Sarachat vào lưới đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết ASEAN Cup 2024 bị đánh giá là thiếu tinh thần fair-play. Ảnh: TC Du lịch TP.HCM

Theo thông lệ, sau khi trận đấu tiếp tục, đội nhận bóng sẽ trả lại bóng cho đối phương như một hành động fair-play. Tuy nhiên, trong tình huống này, các cầu thủ Thái Lan đã không thực hiện điều đó. Thay vào đó, họ tổ chức tấn công nhanh, và Supachok Sarachat đã tung cú sút từ ngoài vòng cấm, ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 cho Thái Lan.

Hành động này đã khiến các cầu thủ và ban huấn luyện Việt Nam phản ứng mạnh mẽ, cho rằng Thái Lan thiếu tinh thần thể thao. Trận đấu bị gián đoạn trong khoảng 10 phút để trọng tài chính Ko Hyung-jin thảo luận với cả hai đội. Mặc dù VAR đã được sử dụng để xem xét, bàn thắng của Thái Lan vẫn được công nhận do không vi phạm luật thi đấu.

Tuy nhiên, hành động này bị đánh giá là thiếu fair-play, đi ngược lại tinh thần thể thao cao thượng. Sau trận đấu, nhiều cầu thủ Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích hành động này.

Thủ môn Đình Triệu chia sẻ: “Tôi nghĩ họ sẽ chơi fair-play trả bóng. Tôi không nghĩ họ lại làm vậy”.

Tiền vệ Quang Hải cũng bày tỏ: “Bóng đá luôn tôn thờ cái đẹp, tinh thần fair-play. Tôi không hiểu cầu thủ Thái Lan nghĩ gì”.

 Bàn thắng gây tranh cãi của Supachok Sarachat vẫn không thể giúp Thái Lan thoát khỏi thất bại ngay trên sân nhà trước tuyển Việt Nam. (Ảnh: TC Du lịch TP.HCM)

Bàn thắng gây tranh cãi của Supachok Sarachat vẫn không thể giúp Thái Lan thoát khỏi thất bại ngay trên sân nhà trước tuyển Việt Nam. (Ảnh: TC Du lịch TP.HCM)

Mặc dù gặp bất lợi sau bàn thua này, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường. Phút 82, từ cú dứt điểm của Tuấn Hải, hậu vệ Pansa Hemviboon của Thái Lan đá phản lưới nhà, gỡ hòa 2-2 cho Việt Nam. Đến phút 90+20, tiền vệ vào sân thay người Hai Long ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2 cho Việt Nam. Giành chiến thắng với tổng tỷ số 5-3 sau hai lượt trận, Việt Nam đã lên ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 một cách thuyết phục.

Tình huống ghi bàn thiếu fair-play của Thái Lan đã gây ra nhiều tranh cãi và bị chỉ trích từ cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Dù bàn thắng được công nhận theo luật, hành động này bị xem là thiếu tinh thần thể thao, làm giảm đi hình ảnh đẹp của trận đấu.

Fair play, hay tinh thần thể thao, là khái niệm được xây dựng trên nền tảng công bằng, tôn trọng đối thủ, và tuân thủ luật chơi. Trong bóng đá, fair play không chỉ bao gồm việc tôn trọng các quy tắc cơ bản, mà còn đề cập đến những hành vi đẹp như trả bóng lại cho đối thủ khi có cầu thủ bị chấn thương.

Fair play là biểu hiện của sự tôn trọng lẫn nhau giữa các vận động viên và đội bóng, khẳng định rằng mục tiêu cuối cùng của thể thao không chỉ là chiến thắng, mà còn là sự cạnh tranh lành mạnh và tinh thần cao thượng. FIFA và các tổ chức thể thao khác luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của fair play trong mọi khía cạnh của thể thao. Những giải thưởng như “FIFA Fair Play Award” được trao nhằm tôn vinh những hành động đẹp trong bóng đá.

Sự kiện cầu thủ Thái Lan sút bóng vào lưới đội tuyển Việt Nam khi mà các cầu thủ của chúng ta tưởng bóng sẽ được trả lại là một ví dụ điển hình về ranh giới mong manh giữa fair play và chiến thắng bằng mọi giá. Dù hành động này không vi phạm luật thi đấu, nhưng rõ ràng nó đã đi ngược lại tinh thần thể thao mà bóng đá hướng tới. Vậy, điều gì đã khiến một cầu thủ lựa chọn hành động như vậy?

Áp lực chiến thắng? Vâng, đúng là áp lực chiến thắng! Bóng đá hiện đại không chỉ là môn thể thao, mà còn là một ngành kinh doanh với áp lực khủng khiếp. Thành công của một đội tuyển hay một cầu thủ được đo bằng danh hiệu và thành tích, dẫn đến việc chiến thắng đôi khi trở thành mục tiêu duy nhất, bất chấp mọi phương tiện.

Trong bóng đá, các cầu thủ và huấn luyện viên luôn tìm cách khai thác mọi kẽ hở của luật lệ để giành lợi thế. Ví dụ điển hình là những pha câu giờ hoặc những tình huống cố ý phạm lỗi chiến thuật để ngăn chặn đối phương ghi bàn. Mặc dù những hành động này không vi phạm luật, nhưng chúng lại đi ngược với tinh thần fair play.

 Với “Bàn tay của Chúa”, Maradona đã ghi bàn quyết định giúp Argentina giành chiến thắng trước tuyển Anh, nhưng bàn thắng này đã để lại vết nhơ trong lịch sử bóng đá.

Với “Bàn tay của Chúa”, Maradona đã ghi bàn quyết định giúp Argentina giành chiến thắng trước tuyển Anh, nhưng bàn thắng này đã để lại vết nhơ trong lịch sử bóng đá.

Nhiều tình huống nổi tiếng trong bóng đá thế giới cũng đã khiến khán giả băn khoăn về tinh thần fair play. Điển hình là cú “Bàn tay của Chúa” của Maradona- cầu thủ hay nhất mọi thời đại của Đội tuyển Argentina vào lưới đội tuyển Anh tại World CUP năm 1986. Dù pha bóng đó đã giúp Argentina giành chiến thắng, nhưng mãi mãi để lại vết nhơ trong lịch sử bóng đá.

Còn những hành động đẹp trên sân cỏ có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng những giá trị tích cực trong xã hội. Paolo di Canio đã nhậnGiải Fair Play của FIFA năm 2001” vì hành động đặc biệt trong trận đấu của Giải vô địch Ngoại hạng Anh giữa West Ham với Everton vào ngày 16/12 mùa giải năm 2000. Thủ môn Paul Gerrard của Everton bị chấn thương trong vòng cấm khi Di Canio nhận đường chuyền của Trevor Sinclair.

 Hành động của Paolo di Canio được xem là một trong những biểu tượng của tinh thần thể thao chân chính.

Hành động của Paolo di Canio được xem là một trong những biểu tượng của tinh thần thể thao chân chính.

Trước mặt khung thành, Di Canio quyết định bắt bóng thay vì ghi bàn. Nếu ghi bàn thành công, Paolo di Canio có thể giúp West Ham giành chiến thắng 2-1. Đó là một hành động thể hiện tinh thần thể thao tốt đẹp chưa từng có của Di Canio.

Có thể nói thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, không chỉ là nơi tranh tài về thể lực và kỹ thuật, mà còn là môi trường để các vận động viên rèn luyện nhân cách và bản lĩnh. Một cầu thủ chơi đẹp, tôn trọng đối thủ, dù không giành chiến thắng, vẫn được người hâm mộ tôn vinh. Ngược lại, một người thắng cuộc bằng mọi giá có thể giành được danh hiệu, nhưng khó lòng giành được sự tôn trọng lâu dài.

Để khuyến khích fair play, các tổ chức thể thao cần có những biện pháp mạnh tay hơn với các hành vi phi thể thao. Bên cạnh đó, việc giáo dục về tinh thần fair play từ cấp độ trẻ là điều cần thiết để tạo dựng một nền thể thao lành mạnh và công bằng hơn.

Để xây dựng văn hóa fair play, các cầu thủ trẻ cần được giáo dục về tinh thần thể thao ngay từ khi bắt đầu tập luyện. Họ cần hiểu rằng bóng đá không chỉ là cuộc đua về kỹ thuật, mà còn là bài học về đạo đức và cách ứng xử trong cuộc sống.

Xã hội và giới truyền thông cần thay đổi cách đánh giá thành công trong thể thao. Một chiến thắng bằng mọi giá không phải lúc nào cũng đáng được ca ngợi, và một thất bại với tinh thần chiến đấu cao thượng có thể còn giá trị hơn nhiều.

Các giải đấu cần có những biện pháp khích lệ hành động đẹp, chẳng hạn như tăng điểm fair play trong các giải thưởng lớn, đồng thời xử lý nghiêm minh những hành vi phi thể thao.

Fair play là linh hồn của bóng đá, giúp bóng đá duy trì được vẻ đẹp chân chính và tinh thần cao thượng. Những sự kiện như hành động thiếu fair play trong trận đấu giữa Thái Lan và Việt Nam cho thấy rằng thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cần không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần này. Cuối cùng, chiến thắng chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được xây dựng trên sự công bằng và tôn trọng. Những giá trị ấy mới là điều giúp bóng đã mãi trường tồn trong lòng người hâm mộ.

Lê Thọ Bình

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/fair-play-va-chien-thang-post181660.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo