F-35 được ví như 'sóng thần' với ngành hàng không quân sự châu Âu

Sự hiện diện ngày càng tăng của tiêm kích tàng hình F-35 trên khắp châu Âu vô hình trung khiến ngành công nghiệp hàng không quân sự khu vực gặp nhiều khó khăn để tìm chỗ đứng ngay tại chính thị trường 'quê nhà'.

F-35 “phủ sóng” châu Âu

Mới nhất, Hy Lạp chính thức trở thành quốc gia thứ 12 ở châu Âu tham gia vào chương trình F-35, với việc đặt bút ký hợp đồng mua 20 máy bay F-35A với nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ), giảm một nửa so với dự kiến, sau nhiều năm trì hoãn do khủng hoảng kinh tế. Thương vụ này sẽ được tiến hành trong giai đoạn 2028-2033.

Theo Bulgarian Military, Mỹ thường xuyên “thuyết phục” các nước châu Âu phải lựa chọn ủng hộ tiêm kích F-35. Ảnh hưởng ngày càng tăng của máy bay Mỹ tỷ lệ thuận với việc vị thế của sản phẩm thương hiệu châu Âu giảm dần. Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu nhiều lần kêu gọi mua “hàng châu Âu”, tiêm kích F-35 liên tục đánh bại những ứng cử viên “địa phương” trong các cuộc cạnh tranh máy bay chiến đấu gần đây, bao gồm Dassault Rafale (Pháp), JAS 39 Gripen (Thụy Điển) hay Eurofighter Typhoon (liên doanh một số quốc gia châu Âu cùng hợp tác phát triển). Về vấn đề này, vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp khi đó là Florence Parly từng nêu quan ngại: “Điều khoản đoàn kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Điều 5, chứ không phải Điều F-35”.

Tiêm kích F-35 của không quân Italy. Ảnh: ac.nato.int

Tiêm kích F-35 của không quân Italy. Ảnh: ac.nato.int

Đơn cử, năm 2021, Thụy Sĩ quay lưng lại với Dassault Rafale và tới năm 2022 đến lượt Phần Lan quyết định từ bỏ JAS 39 Gripen. Thậm chí, năm 2023 bị coi là “năm sụp đổ” của các nhà sản xuất máy bay châu Âu khi F-35 được Hy Lạp, Romania, Cộng hòa Séc và Bồ Đào Nha tuyên bố lựa chọn để tiến hành quy trình mua sắm.

“Châu Âu đang hứng chịu “sóng thần” mang tên F-35. Ước tính có tới 2/3 lực lượng không quân tại châu Âu sẽ được trang bị dòng máy bay chiến đấu này vào năm 2030”, Bulgarian Military dẫn bình luận của trang mạng Meta-defense.fr (Pháp) ví von. Mặt khác, Meta-defense.fr thống kê hiện cũng chỉ còn một vài quốc gia trong số 25 nước châu Âu đang và dự kiến sẽ trang bị các loại máy bay chiến đấu khác, bao gồm Pháp, Croatia và có thể là Serbia sử dụng Dassault Rafale; Thụy Điển và Hungary đặt niềm tin vào JAS 39 Gripen; hay Slovakia, Slovenia và có thể là Bulgaria dùng F-16. Có một thực tế là máy bay châu Âu chỉ chinh phục những thị trường khi F-35 không được cung cấp tại đó, chẳng hạn như ở Ai Cập, các nước vùng Vịnh, Ấn Độ, Indonesia hay Brazil.

Giới phân tích cho rằng sự thành công của tiêm kích F-35 tại châu Âu đến từ khả năng tương tác cao của máy bay với các đồng minh và đối tác, đặc biệt là trong NATO. Thêm vào đó, khi vòng đời của tiêm kích Mỹ có thể kéo dài đến năm 2060 hoặc thậm chí là 2075 thì chẳng có lý do gì mà các quốc gia phải bỏ ra “núi tiền” để nghiên cứu, phát triển một dòng máy bay mới và sẵn sàng móc hầu bao cho dòng máy bay hiện đại, đã qua thực chiến như F-35. Thêm vào đó, F-35 cũng tới châu Âu đúng thời điểm, khi nhiều quốc gia đang muốn “thay máu” đội bay của họ vào cuối thập kỷ này.

Nói đi thì cũng phải nói lại, sự tiến triển của châu Âu trong công nghệ máy bay thế hệ thứ năm đã tụt hậu. Điều này phần lớn là do các vấn đề hợp tác trong châu Âu đối với các dự án tiêm kích thế hệ thứ tư như Dassault Rafale và Eurofighter Typhoon bị kéo dài từ thập niên 1980 đến đầu thế kỷ XXI. Ngược lại, đây là thời kỳ mà F-22 của Mỹ, máy bay thế hệ thứ năm đầu tiên trên thế giới, được chính thức đưa vào sử dụng. Với việc cắt giảm ngân sách quốc phòng trên khắp châu Âu và tốc độ phát triển nhanh chóng của chương trình F-35, ngày càng nhiều quốc gia ở “lục địa già” lựa chọn mua trực tiếp F-35 và gác lại việc phát triển máy bay thế hệ thứ năm nội địa.

Nỗ lực tự chủ của châu Âu

Theo Bulgarian Military, châu Âu vẫn chưa từ bỏ ý định tiến lên phía trước và khẳng định quyền tự chủ chiến lược của ngành công nghiệp hàng không quân sự nội địa. “Nhảy cóc” qua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, nhiều quốc gia châu Âu đã cùng nhau bắt tay nghiên cứu, thiết kế và phát triển các dự án như Hệ thống không quân chiến đấu tương lai - FCAS (với sự tham gia của Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bỉ) hay Chương trình tác chiến trên không toàn cầu - GCAP (với sự tham gia của Anh, Italy và Nhật Bản) để cho ra mắt máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.

 Mô hình của máy bay chiến đấu trong chương trình FCAS của châu Âu. Ảnh: Defense News

Mô hình của máy bay chiến đấu trong chương trình FCAS của châu Âu. Ảnh: Defense News

FCAS là chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu do Pháp và Đức khởi xướng năm 2017 với chi phí ước tính khoảng 106 tỷ USD, qua đó trở thành là một trong những chương trình hợp tác phát triển vũ khí lớn nhất châu Âu từ trước tới nay. FCAS cũng có ý định phát triển một gia đình các hệ thống chiếm ưu thế trên không, với một máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu được gọi là NGF làm trung tâm. NGF sẽ có động cơ mới, hệ thống vũ khí mới, cảm biến tiên tiến, công nghệ tàng hình, khả năng kết nối với UAV và kết nối với mạng lưới chiến đấu không quân. Dự kiến chuyến bay đầu tiên của NGF dự kiến thực hiện vào năm 2027, bắt đầu sản xuất từ năm 2030 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2040.

Tương tự, GCAP đặt mục tiêu hoàn thành sản xuất nguyên mẫu máy bay thế hệ thứ sáu và bay thử nghiệm vào năm 2027. Sau đó máy bay sẽ tham gia vào lực lượng phòng không của ba nước Anh, Nhật Bản và Italy vào năm 2035. Mẫu máy bay tàng hình hai động cơ GCAP sẽ vận hành với chế độ có hoặc không có người lái bên trong, không bị radar đối phương phát hiện, cùng những tính năng như vũ khí điều khiển bằng laser và buồng lái thực tế ảo. Máy bay này là sự phát triển chung của ba quốc gia, nhưng đối với mỗi nước, nó sẽ nhận được thiết bị radar, cảm biến cũng như các loại tên lửa và bom khác nhau.

Việc châu Âu muốn đẩy nhanh tiến độ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới chính là nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc về công nghệ hàng không quân sự vào Mỹ, mà trước mắt là tiêm kích F-35. Tuy nhiên, kể cả khi châu Âu sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ mới thì sự cạnh tranh với sản phẩm thương hiệu Mỹ không phải sẽ giảm đi. Bên cạnh việc có thể kéo dài tuổi thọ của tiêm kích F-35 thêm nhiều thập kỷ, Mỹ còn đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu mang tên Làm chủ bầu trời thế hệ mới (NGAD).

TRẦN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/f-35-duoc-vi-nhu-song-than-voi-nganh-hang-khong-quan-su-chau-au-789059
Zalo