F-16 dễ lâm nguy khi Ukraine chưa được phép sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga

Business Insider dẫn nhận định của các chuyên gia quân sự cho biết phương Tây chưa cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công các mục tiêu ở Nga khiến máy bay chiến đấu F-16 mà nước này vừa tiếp nhận hoạt động kém hiệu quả hơn và đối mặt với nhiều mối đe họa hơn.

Phương Tây hạn chế việc sử dụng vũ khí tầm xa đã “trói buộc” Ukraine?

Nhiều nước bảo trợ của Ukraine, trong đó có cả Mỹ không cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa mà họ cung cấp để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine không thể chặn đứng nguồn gốc của nhiều cuộc tấn công mà Nga thực hiện, thay vào đó phải cố gắng ngăn chặn từng cuộc tấn công đơn lẻ. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn. Trong khi đó, Nga có thể tấn công các máy bay chiến đấu của Ukraine, khiến chúng dễ bị hư hỏng và ít có khả năng bay gần tiền tuyến.

Tiêm kích F-16. Ảnh: Reuters

Tiêm kích F-16. Ảnh: Reuters

George Barros - nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ, cho rằng mối liên hệ giữa hạn chế của phương Tây và hiệu quả của máy bay F-16 mà Ukraine tiếp nhận "đang bị đánh giá thấp".

Theo ông, khi chưa được sự chấp nhận của phương Tây, Ukraine chỉ có thể tấn công trong một khu vực hạn chế và Nga sẽ tìm cách bố trí hệ thống phòng không dày đặc ở những khu vực đó. Trái lại, nếu Kiev được cho phép bắn tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Nga thì điều này sẽ buộc Moscow phải đưa ra những quyết định khó khăn như bố trí hệ thống phòng không ở đâu và cần bảo vệ những gì. Sau đó, Moscow có thể phải di chuyển một số hệ thống phòng không từ Ukraine trở lại để bảo vệ hậu phương của họ nhằm ngăn các đòn tập kích của đối phương.

"Điều này giúp tiêm kích F-16 có khả năng hoạt động trong nhiều vùng không phận của Ukraine hơn, gần tiền tuyến hơn và trong một số trường hợp hạn chế hoạt động của Nga trên lãnh thổ Ukraine mà nước này chiếm giữ”, ông George Barros lưu ý.

Việc gỡ bỏ các hạn chế cũng sẽ cho phép Ukraine tấn công nhiều hơn vào hệ thống phòng thủ của Nga, đồng thời tiến hành các hoạt động nhằm làm suy yếu thế trận phòng không của đối phương. Michael Bohnert, một chuyên gia về chiến tranh trên không tại Tập đoàn RAND, cho rằng, hoạt động của Ukraine hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Ukraine đã nhiều lần thúc giục các đối tác phương Tây dỡ bỏ hạn chế về vũ khí, nói rằng điều này sẽ cho phép họ chiến đấu hiệu quả hơn nhiều. Một số nước đã nới lỏng lập trường vào tháng 5/2024, cho phép Ukraine sử dụng một số vũ khí tầm ngắn với năng lực hạn chế tấn công lãnh thổ Nga. Các chuyên gia về xung đột cho biết điều này đã nhanh chóng tạo ra sự khác biệt. Nhưng các hạn chế hiện tại đối với vũ khí tầm xa khiến Ukraine không thể sử dụng một số vũ khí mạnh nhất của họ, chẳng hạn như tên lửa Storm Shadow/SCALP và ATACMS, để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga.

Thay vào đó, Ukraine phải phụ thuộc vào các máy bay không người lái với sức mạnh hạn chế để tiến hành các cuộc tấn công đó. Hồi tháng 8 vừa qua, ISW ước tính, ít nhất 250 mục tiêu quân sự quan trọng ở Nga nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS mà Ukraine sở hữu, nhưng lệnh cấm của phương Tây khiến họ không thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trong số đó.

ISW cho biết, để sử dụng chiến đấu cơ F-16 hiệu quả, Ukraine "cần có khả năng nhắm mục tiêu vào hệ thống phòng không của Nga bằng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp”. Hiện, Kiev chỉ có thể sử dụng chiến đấu cơ F-16 ở gần biên giới của họ để phá hủy các tài sản phòng không ở Nga.

Gordon B. "Skip" Davis, Jr., cựu phó trợ lý tổng thư ký NATO, nói rằng ông "ủng hộ mạnh mẽ việc dỡ bỏ mọi hạn chế" đối với Ukraine trong việc sử dụng các vũ khí của phương Tây tấn công lãnh thổ Nga. Ông Davis nhận định, chiến dịch đột kích của Ukraine vào Kursk hồi tháng 8/2024 là bằng chứng cho thấy lời cảnh báo của Nga về việc leo thang xung đột nếu Kiev vượt qua lằn ranh đỏ dường như không đáng ngại.

"Tôi không nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra, bất chấp những lời đe dọa từ Tổng thống Putin và một số người phát ngôn” ông Davis lưu ý.

Số lượng hạn chế của chiến đấu cơ F-16

Theo các chuyên gia, Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn khi vận hành chiến đấu cơ F-16. Trước hết là số lượng máy bay mà nước này tiếp nhận khá ít ỏi. Đan Mạch, Na Uy, Bỉ và Hà Lan đã cam kết cung cấp hơn 85 máy bay F-16 cho Ukraine. Nhưng nhiều chuyên gia về tác chiến trên không nhận định số lượng đó không đủ để Kiev sử dùng.

Michael Clarke, Cố vấn an ninh quốc gia của Anh đánh giá, để các máy bay chiến đấu này hoạt động thực sự hiệu quả, Ukraine cần ít nhất 200 chiếc, cùng với các hệ thống hỗ trợ đi kèm. Tổng thống Ukraine Zelensky hồi tháng 5/2024 lưu ý, Ukraine cần khoảng 120 đến 130 máy bay chiến đấu tiên tiến để có thể thách thức Nga trên không.

Ukraine hối thúc phương Tây viện trợ chiến đấu cơ F-16 ngay khi xung đột nổ ra, nhưng ở thời điểm đó Mỹ và các nước châu Âu vẫn ngần ngại. Ông Keir Giles -một cố vấn cấp cao tại Chương trình Nga và Âu Á của Chatham House, cho rằng, sự chậm trễ của phương Tây "Nga đã có đủ thời gian để lên kế hoạch ứng phó với sự xuất hiện của chiến đấu cơ này và thích nghi với nó".

Ukraine và nhiều chuyên gia về chiến tranh, nhận định, chương trình F-16 của nước này vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Kiev đã mất một chiếc F-16 cùng với phi công điều khiển vào cuối tháng 8 vừa qua. Theo giới quan sát, việc mất chiến đấu cơ trên chiến trường là điều có thể dự đoán được. Họ không cho rằng, tiêm kích F-16 sẽ là yếu tố giúp Ukraine “thay đổi cuộc chơi” bởi số lượng máy bay mà Kiev có được ở giai đoạn đầu quá ít ỏi.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/f-16-de-lam-nguy-khi-ukraine-chua-duoc-phep-su-dung-vu-khi-tam-xa-tan-cong-nga-post1123174.vov
Zalo