Exchange for Change - Mô hình mới của GNI cho các hoạt động chung tay phát triển cộng đồng

Cơn bão Yagi đi qua, chúng ta đã thấy được 'sức mạnh tập thể' khi cả cộng đồng cùng chung sức đồng lòng cứu trợ cho đồng bào bị ảnh hương bởi bão lũ. Tuy nhiên, làm thế nào để việc hành động vì cộng đồng trở nên khác biệt và kiến tạo các giá trị bền vững thay vì chỉ trao - nhận, quyên tặng một lần?

Sáng kiến “thúc đẩy giao lưu học hỏi” của GNI

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy các chương trình hành động hoặc sáng kiến vì cộng đồng, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Những hoạt động đó diễn ra sôi nổi, vươn đến hầu hết các địa bàn khó khăn, có thể kể đến việc cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu, hỗ trợ nước sạch cho hộ gia đình, quyên tặng áo ấm, sách vở hay xây dựng kiên cố các điểm trường cho trẻ em vùng cao…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều hoạt động thiện nguyện vẫn mang tính tự phát, chưa sâu sát với nhu cầu nhu cầu của trẻ em và người dân địa phương hoặc chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, tính bền vững còn thấp. Thêm vào đó, việc liên tục làm quen - chia tay với các đoàn tình nguyện một lần tại cộng đồng có thể gây ảnh hưởng không tốt đến cảm xúc và sự kết nối của trẻ em và người dân.

GNI triển khai mô hình giao lưu “Exchange for Change (E4C) - Giao lưu hướng đến sự đổi thay”

GNI triển khai mô hình giao lưu “Exchange for Change (E4C) - Giao lưu hướng đến sự đổi thay”

Là cầu nối giữa nhà tài trợ và cộng đồng, Good Neighbors International (GNI) đã nhận thấy được hạn chế của nhiều hoạt động từ thiện hiện nay. Vì vậy, GNI triển khai mô hình giao lưu “Exchange for Change (E4C) - Giao lưu hướng đến sự đổi thay”. Theo đó, mô hình xây dựng mối quan hệ thấu hiểu giữa đoàn tình nguyện và cộng đồng dân cư địa phương, tạo cơ hội cho cả hai bên giao lưu trao đổi văn hóa - kiến thức, và cùng hợp tác tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ cộng đồng sáng tạo hơn và bền vững hơn.

Exchange for Change - Giao lưu hướng đến sự đổi thay

Được thực hiện từ năm 2023 đến nay, mô hình E4C hướng đến việc truyền cảm hứng cho người tham gia để họ phát triển bản thân và giải quyết các vấn đề của cộng đồng, trong đó GNI đóng vai trò kết nối và tổ chức.

Điểm khác biệt của mô hình E4C là việc tạo cơ hội tương tác hai chiều: cả đoàn tình nguyện lẫn người dân địa phương đều tham gia vào lập kế hoạch và tổ chức hoạt động giao lưu. Trong đó, người dân tại cộng đồng cung cấp thông tin về hiện trạng và nhu cầu; đoàn tình nguyện (cá nhân/ nhóm/ doanh nghiệp/ cơ quan) đề xuất các hoạt động giao lưu, trao tặng dựa trên thế mạnh của mình. Với mục đích giới thiệu và quảng bá văn hóa bản địa và gia tăng sự gắn kết, các địa phương thường đề xuất tổ chức giao lưu văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, đẩy gậy, đạp yến…

Về phía đoàn thiện nguyện, các hoạt động như tổ chức đọc sách cho học sinh; thực hiện giảng dạy về chủ đề bảo vệ môi trường; chung tay cùng với người dân địa phương nhặt rác và phát quang bụi rậm quanh khu vực nguồn nước; hay trải nghiệm và hỗ trợ vật chất cho nhóm nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình… là những hoạt động không chỉ giúp giải quyết vấn đề tại địa phương, mà còn mang đến cho đoàn những trải nghiệm vô cùng độc đáo.

Với mô hình E4C, không chỉ người dân địa phương được hưởng lợi mà chính thành viên đoàn tình nguyện cũng thu nhận được nhiều giá trị: vừa mở mang kiến thức về đa dạng văn hóa, hiểu thực tế về hoàn cảnh của trẻ em và người dân vừa có thể chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực của bản thân để giúp ích cho cộng đồng.

“Khi tiếp xúc với giáo viên, học sinh và người dân bản địa, tôi đã học hỏi được rất nhiều về đời sống của người dân Bản Rịa, những tri thức tôi không thể học được từ sách vở. Tôi hiểu thêm về thực tiễn giáo dục và những khó khăn của các thầy cô, học sinh, đặc biệt khi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Tất cả những trải nghiệm đó thực sự là những trải nghiệm rất quý giá mà tôi rất khó có được nếu không có chuyến đi này.” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở một ngày tương tác, mối quan hệ giữa đoàn tình nguyện và cộng đồng còn tiếp tục bền vững với các kế hoạch hợp tác và chia sẻ sau chuyến giao lưu.

Các chủ đề giao lưu đa dạng, mang đến đổi thay tích cực

Bốn chuyến giao lưu với ba chủ đề khác nhau đã được GNI triển khai tại ba tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Hòa Bình: (1) Giao lưu phát triển văn hóa đọc tại trường TH&THCS Bản Rịa, huyện Quang Bình với sự tham gia của 315 học sinh, 29 giáo viên và 17 tình nguyện viên; (2) Giao lưu về Bảo vệ môi trường với 25 trẻ em, 25 người lớn, 45 Đoàn viên Thanh niên và Hội phụ nữ, 15 tình nguyện viên tại thôn Cao Ngỗi, huyện Sơn Dương. (3) Giao lưu trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình với sự tham gia của 07 hộ gia đình là thành viên nhóm nuôi cá lồng và 17 tình nguyện viên. (04) Giao lưu tìm hiểu về các hoạt động hỗ trợ cộng đồng của GNI và trải nghiệm các hoạt động của nhóm nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Hòa Bình với sự tham gia của 28 sinh viên đến từ Mỹ và Trung Quốc.

Bốn chuyến giao lưu với ba chủ đề khác nhau đã được GNI triển khai tại ba tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Hòa Bình.

Bốn chuyến giao lưu với ba chủ đề khác nhau đã được GNI triển khai tại ba tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Hòa Bình.

Qua chuyến giao lưu, các đoàn tình nguyện đã hiểu được những khó khăn của cộng đồng và quyên tặng hiện vật (sách, đồ chơi, máy hút chân không, bể chứa nước), ngày công, dịch vụ chuyên gia rất hữu ích. Tổng giá trị các quyên tặng của 03 đoàn tình nguyện đạt gần 150 triệu đồng.

“Buổi giao lưu không chỉ giúp các em học sinh có cơ hội tham gia các hoạt động đọc sách với phương pháp kết hợp vừa học vừa chơi, mà còn tạo điều kiện cho các thầy cô giáo tại trường có dịp học hỏi về phương pháp tổ chức các hoạt động đọc sách cùng với học sinh. Đặc biệt, những cuốn sách được GNI và dự án Sách ơi mở ra trao tặng đã tiếp thêm động lực, niềm vui khi các em đến trường.” - cô Hoàng Thị Xuyến, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú TH&THCS Bản Rịa chia sẻ.

“Chương trình này vô cùng ý nghĩa, đặc biệt là hoạt động hướng dẫn các cháu về bảo vệ môi trường hay cùng với người dân và Đoàn thanh niên dọn rác ở trong suối. Đây là những hoạt động rất có ích và giúp giữ gìn vệ sinh môi trường ở tại thôn. Cảm ơn đoàn tình nguyện đã về thôn để giao lưu, để chia sẻ kiến thức và giúp mọi người ở đây hiểu hơn về bảo vệ môi trường.” - ông Trần Văn Thắng, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Cao Ngỗi chia sẻ.

Có thể thấy, dự án E4C không chỉ dừng ở giao lưu một lần mà hướng đến nâng cao nhận thức của người liên quan về vấn đề của cộng đồng mình, hình thành mối quan hệ hợp tác lâu dài - cùng phát triển.

Dự án "Exchange for Change" không chỉ góp phần tạo ra một môi trường giao lưu cùng phát triển mà còn mang đến cơ hội cho mỗi cá nhân phát huy tiềm năng và cống hiến cho cộng đồng. Từ đó, các hoạt động trao tặng từ thiện một chiều - một lần được chuyển hóa thành mô hình giao lưu mang kỳ vọng đem lại giá trị cho tất cả các bên tham gia, hướng đến sự thay đổi bền vững cho cộng đồng.

Web: https://goodneighbors.vn/

Page: https://www.facebook.com/GoodNeighborsVietnam

Youtube: https://www.youtube.com/playlist?list=PLJmcyG4ardufvV1nS-6z4NRn5H7wktwwy

Thành Hải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/exchange-for-change-mo-hinh-moi-cua-gni-cho-cac-hoat-dong-chung-tay-phat-trien-cong-dong-289536.html
Zalo