EVN báo lỗ kỷ lục hơn 26.000 tỉ đồng, liệu giá điện có tiếp tục tăng?

EVN lỗ ròng hơn 26.700 tỉ đồng (khoảng 1,05 tỉ USD) do chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp ăn mòn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Lỗ kỷ lục hơn 1 tỉ USD, nhiều người lo lăng EVN sẽ tiếp tục tăng giá điện.

Lỗ kỷ lục hơn 1 tỉ USD, nhiều người lo lăng EVN sẽ tiếp tục tăng giá điện.

Doanh thu không đủ bù chi phí lãi vay, EVN lỗ kỷ lục

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng doanh thu hợp nhất của EVN đạt hơn 500.700 tỉ đồng tăng 8% so với năm 2022. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 13.000 tỉ, tăng hơn 20%. Trong đó, doanh thu từ bán điện đạt hơn 498.436 tỉ đồng, chiếm 99% doanh thu hợp nhất.

Tuy nhiên, EVN đã phải trả gần 19.000 tỉ đồng lãi vay trong năm ngoái, chiếm khoảng 83% chi phí tài chính và tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với năm 2022. Như vậy, doanh nghiệp quản lý điện lực phải trả hơn 52 tỉ đồng tiền lãi vay mỗi ngày khiến doanh thu không đủ bù đắp chi phí lãi vay, chưa tính tới các chi phí hoạt động và quản lý.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của EVN cũng cao hơn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính. Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong năm 2023 là hơn 21.400 tỉ đồng, tăng nhẹ so với mức hơn 20.500 tỉ năm 2022. Do đó, năm 2023 EVN lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 26.000 tỉ đồng, cao hơn con số 17.000 tỉ trong ước tính trên báo cáo của Bộ Công Thương dù giá điện bán lẻ đã 2 lần tăng giá trong năm ngoái.

Giá điện tăng nhưng không thể bù lỗ kinh doanh, lỗ lũy kế 2 năm 2022 và 2023 của EVN khoảng 47.500 tỉ đồng (tương đương gần 2 tỉ USD). Khoản lỗ trên đến từ việc tập đoàn kinh doanh sát giá vốn, lợi nhuận gộp là 13.042 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 2,6%.

Năm 2019

9720

Năm 2020

14480

Năm 2021

14726

Năm 2022

-20747

Năm 2023

-26772

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của EVN là 648.983 tỉ đồng, giảm 17.182 tỉ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó, tài sản cố định là 408.711 tỉ đồng (chiếm 63%), tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là 81.278 tỉ đồng (chiếm 13%), chi phí xây dựng dở dang là 48.396 tỉ đồng (chiếm 7%)...

Số tài sản trên được hình thành từ 196.134 tỉ đồng vốn chủ sở hữu còn lại (sau khi trừ đi khoản lỗ lũy kế) và 452.849 tỉ đồng nợ phải trả. Tập đoàn đang vay nợ 308.093 tỉ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ.

Giá điện tăng không lấp được lỗ

Việc EVN tiếp tục ghi nhận số lỗ năm 2023 khiến nhiều người lo ngại rằng giá điện bán lẻ sẽ sớm được điều chỉnh tăng.

Trước đó, tháng 5/2023 giá điện tăng 3% và tháng 11/2023 tăng 4,5%. Giá điện bán lẻ đã tăng thêm 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Đầu năm 2024, Tổng giám đốc EVN cho biết, năm nay sẽ tiếp tục là năm khó khăn về tài chính, cung ứng điện với tập đoàn này nếu không có thay đổi về chính sách, giá. Theo EVN, số lỗ của tập đoàn này chủ yếu do giá bán ra vẫn thấp hơn giá thành. Tính toán của EVN vào đầu năm nay, cứ mỗi kWh điện được bán ra, doanh nghiệp này lỗ gần 142,5 đồng.

Hiện EVN và các Tổng công ty phát điện (các Genco) chiếm khoảng 37,5% nguồn điện; 62,5% còn lại phụ thuộc vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, các nhà đầu tư tư nhân, BOT...

Theo Quyết định 05/2024 thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 15/5/2024, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Nếu tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành phải báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra hồi tháng 6/2024, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu cho biết, Bộ Công Thương đã có đoàn kiểm tra giá thành sản xuất điện của EVN, thời điểm đó chưa có kết quả.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, điều chỉnh giá điện phải thực hiện theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg. Theo đó, "quy định giá điện có giảm, có tăng nên đừng nghĩ điều chỉnh giá điện là sẽ tăng".

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nếu giá điện bình quân giảm 1% là EVN phải giảm ngay. Bộ Công Thương có trách nhiệm giám sát, yêu cầu EVN giảm giá điện, còn muốn tăng thì phải báo cáo trong thẩm quyền của EVN, Bộ Công Thương, Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: "Cần đánh giá tác động kinh tế - xã hội từ việc tăng - giảm giá điện. Bộ Công Thương đã có đoàn kiểm tra, rà soát để tính toán đảm bảo khoa học, khách quan có công thức tính toán cụ thể phương án giá điện, chờ kết quả kiểm tra để biết thời điểm nào phù hợp".

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/evn-bao-lo-ky-luc-hon-26000-ti-dong-lieu-gia-dien-co-tiep-tuc-tang-179240711190253293.htm
Zalo