Eurasia Review: Việt Nam muốn 'hồi sinh' AIPA

Ngày 8/9, tờ Eurasia Review đã đăng bài bình luận với nhan đề 'Việt Nam muốn hồi sinh AIPA' của nhà báo người Indonesia Veeramalla Anjaiah. TG&VN xin giới thiệu nội dung bài báo này.

Bờ biển Việt Nam. (Nguồn: Eurasia Review)

Bờ biển Việt Nam. (Nguồn: Eurasia Review)

Học giả nổi tiếng của Đại học Oxford, Tiến sĩ P.S. Jagadeesh Kumar từng mô tả sức mạnh và tiềm năng của những người trẻ bằng những từ sau: “Những bộ óc già cỗi có sức mạnh tạo ra lịch sử. Những tâm hồn trẻ có sức mạnh để thay đổi nó”.

Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Đông Nam Á (AIPA) nhiệm kỳ 2019-2020 và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 (AIPA 41) - cũng tin tưởng vào tiềm năng của giới trẻ, đặc biệt là các nghị sĩ trẻ. Hà Nội muốn thuyết phục tất cả các quốc gia thành viên ASEAN khác tạo nền tảng lớn hơn cho các nghị sĩ trẻ trong AIPA và sẽ đề xuất thiết lập một cơ chế nhằm tổ chức một hội nghị các nghị sĩ trẻ tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 41.

Sáng kiến mang lại vai trò lớn hơn cho thanh niên này là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, được tổ chức từ 8-10/9 tại Hà Nội.

Việt Nam - quốc gia có nhiều kinh nghiệm tổ chức nhiều cuộc họp và hội nghị quốc tế cấp cao - đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 nhằm chuẩn bị cho sự kiện này.

Do đại dịch Covid-19, Đại hội đồng AIPA lần đầu tiên họp theo hình thức trực tuyến. Việt Nam muốn đảm bảo rằng trọng tâm chính của Đại hội đồng là thúc đẩy sự gắn kết, chủ động thích ứng và phục hồi kinh tế của ASEAN sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung chương trình nghị sự chính phải phù hợp với các ưu tiên của ASEAN liên quan đến phục hồi kinh tế, ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch Covid-19.

Phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 là rất quan trọng. Do vậy, ASEAN muốn tập trung thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư và thương mại kỹ thuật số; phục hồi và tái khởi động chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các cảng biển của ASEAN; chính sách đảm bảo an sinh xã hội và hệ thống y tế; và các chính sách hỗ trợ người nghèo và người thất nghiệp vốn gia tăng trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Một vấn đề ưu tiên khác của ASEAN là tìm kiếm các cam kết từ các quốc gia thành viên ASEAN nhằm tạo ra môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực.

Với tư cách là Chủ tịch của cả ASEAN và AIPA, Việt Nam đã và đang cố gắng tạo ra sức mạnh tổng hợp giữa ASEAN và AIPA, cũng như cách tiếp cận và mục tiêu chung trong việc giải quyết các vấn đề hiện nay của ASEAN.

Việt Nam đưa ra đề xuất tại Đại hội đồng nhằm kết nối tất cả các hoạt động của AIPA với các hoạt động của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Nước chủ nhà cũng đề xuất liên quan đến việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Trao đổi với các nhà báo mới đây tại Hà Nội, bà Vũ Hải Hà, Trưởng Ban Thư ký Quốc gia AIPA 41 và Trưởng Tiểu ban nội dung AIPA 41, tuyên bố: “Quốc hội Việt Nam - Chủ tịch đương nhiệm AIPA - sẽ nỗ lực hết mình nhằm đảm bảo thành công của AIPA 41”.

Như chúng ta đã biết, tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á, cũng như các nước khác trên thế giới hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế nghiêm trọng do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Các lệnh phong tỏa và đóng cửa tất cả các biên giới quốc tế giữa các quốc gia thành viên ASEAN đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế.

Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Đông Nam Á đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép trầm trọng và tình hình an ninh nghiêm trọng ở Biển Đông. Người dân Đông Nam Á đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc họp quan trọng này vì tất cả các quyết định mà AIPA 41 đưa ra sẽ được chuyển tới các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Hà Nội.

Trong ba ngày diễn ra Đại hội đồng, Việt Nam muốn tập trung hơn nữa vào việc đạt được sự đồng thuận cao giữa các Nghị viện thành viên về các vấn đề và thách thức gay gắt. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam muốn hợp tác chặt chẽ với Indonesia, quốc gia đứng đầu ASEAN trên thực tế. Cả Việt Nam và Indonesia đều là đối tác chiến lược và là bạn bè thân thiết trong 65 năm qua. Hiện cả hai nước đều là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân mới đây đã có lời kêu gọi tất cả các Nghị viện thành viên AIPA nêu cao tinh thần đoàn kết, chung tay cùng các chính phủ kiềm chế đại dịch Covid-19 cũng như sự đoàn kết và gắn kết mọi mặt giữa các Nghị viện thành viên AIPA tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 41.

Việt Nam - một trong những nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và là quốc gia yêu chuộng hòa bình - luôn mong muốn biến AIPA thành một tổ chức năng động và hiệu quả có thể hợp tác chặt chẽ với ASEAN vì những điều tốt đẹp hơn cho người dân ASEAN.

Việt Nam không bao giờ thiếu các ý tưởng để hồi sinh AIPA và biến nó thành một tổ chức hiệu quả có thể sát cánh cùng ASEAN.

Năm 2007, Việt Nam đã đề xuất các nhà lãnh đạo AIPA tổ chức đối thoại với các nhà lãnh đạo ASEAN. Đề xuất này đã được tất cả các thành viên chấp thuận và cuộc đối thoại này đang được tổ chức thường niên. Đó là một đề xuất mang tính xây dựng cao. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong việc đưa các vấn đề về phụ nữ, biến đổi khí hậu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra các cuộc họp của AIPA.

Dưới sự lãnh đạo năng động của Việt Nam, người dân Đông Nam Á kỳ vọng rằng Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 sẽ mang lại những kết quả tích cực nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế hiện nay cũng như duy trì hòa bình trong khu vực.

(theo Eurasia Review)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eurasia-review-viet-nam-muon-hoi-sinh-aipa-123596.html
Zalo