EU xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với dầu khí Syria
Liên minh Châu Âu (EU) đang xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với Syria, bao gồm các hạn chế đối với lĩnh vực dầu khí của nước này sau khi cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ một tháng trước.
Trong một tài liệu không chính thức của EU được các quốc gia thành viên sử dụng trong các cuộc đàm phán kín - EU đã đề xuất dỡ bỏ "lệnh cấm xuất khẩu đối với công nghệ dầu khí, cũng như các hạn chế về xuất khẩu và tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng và tài trợ".
EU cũng nói rằng, mọi khả năng hủy danh sách các phe phái liên quan đến Al-Qaeda như Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) là nhóm khủng bố phải được quyết định ở cấp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trước khi được EU thực hiện.
HTS được biết đến là một nhánh cũ của Al-Qaeda ở Syria có liên hệ với ISIS trong khu vực - là lực lượng trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad. Các nước EU cũng đang cân nhắc dỡ bỏ các hạn chế đối với các hãng hàng không, chẳng hạn như hãng hàng không Syria Arab Airlines, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bay dân sự giữa EU và Syria.
Quy định 36/2012 của EU đã áp đặt nhiều hạn chế khác nhau đối với lĩnh vực năng lượng của Syria, bao gồm: Cấm vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Syria; Cấm cung cấp thiết bị và công nghệ quan trọng để sử dụng trong ngành dầu khí ở Syria; Cấm cung cấp bảo hiểm và tái bảo hiểm cho các cá nhân và tổ chức Syria.
Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự, bao gồm các lệnh cấm đối với: Xuất khẩu, tái xuất khẩu, bán hoặc cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp bất kỳ dịch vụ nào tới Syria; Nhập khẩu hoặc kinh doanh xăng dầu hoặc các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Syria; Đầu tư mới vào Syria.
Syria đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Iraq đình chỉ việc cung cấp dầu thô cho Syria vào tháng 12.
"Iraq đã quyết định ngừng cung cấp dầu thô cho Syria bắt đầu từ tháng này", thành viên Quốc hội Iraq Mustafa Sanad cho biết ngay sau khi lật đổ Assad.
Trước quyết định của Baghdad, Syria đã nhập khẩu khoảng 120.000 thùng dầu thô Iraq mỗi ngày. Trong khi đó, nguồn cung dầu thô từ Iran cũng đã chấm dứt sau tin tức về sự thay đổi quyền lực ở Syria. Giá nhiên liệu ở Syria đã tăng vọt do tình trạng thiếu hụt trầm trọng trong giai đoạn chuyển tiếp.