EU và cuộc đua khoáng sản trong cơn bão địa chính trị

Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp, cuộc đua tiếp cận các nguồn khoáng sản thô quan trọng đang trở nên khốc liệt, với Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực giảm phụ thuộc vào các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc.

Các khoáng sản như lithium, coban, niken và các nguyên tố đất hiếm ngày càng đóng vai trò thiết yếu đối với các ngành công nghiệp chiến lược, từ sản xuất vi mạch, tấm pin mặt trời đến ô tô điện. Ước tính của EU cho thấy nhu cầu lithium sẽ tăng gấp 12 lần vào năm 2030 và 21 lần vào năm 2050, đặt ra áp lực lớn đối với bài toán đảm bảo nguồn cung ổn định, bền vững.

Hiện tại, EU vẫn phụ thuộc sâu sắc vào các quốc gia thứ ba: toàn bộ nguyên tố đất hiếm nặng nhập khẩu từ Trung Quốc, 99% boron từ Thổ Nhĩ Kỳ và 71% bạch kim từ Nam Phi. Tình trạng này khiến EU đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt khi các nước cung cấp sử dụng khoáng sản như một công cụ gây sức ép chính trị. Trước thực tế đó, EU đã ban hành Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA), đặt mục tiêu đẩy mạnh khai thác, chế biến và tái chế nguyên liệu chiến lược ngay trên lãnh thổ châu Âu, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia giàu tài nguyên. Tính đến nay, EU đã ký 14 thỏa thuận với các nước như Serbia, Australia, Greenland, Chile và Cộng hòa Dân chủ Congo.

CRMA xác định 34 loại vật liệu là "quan trọng", trong đó có 17 loại được ưu tiên "chiến lược", như lithium, than chì, niken, coban, đồng và đất hiếm, cùng với mục tiêu đến năm 2030 khai thác 10%, chế biến 40% và tái chế 25% lượng nguyên liệu tiêu thụ hàng năm. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa tham vọng này vấp phải không ít khó khăn. Theo nhà nghiên cứu Edoardo Righetti từ tổ chức tư vấn CEPs, tỷ lệ tái chế còn thấp do hạn chế về công nghệ và hệ thống thu gom, trong khi chi phí tái chế cao cũng là một rào cản lớn.

Trong nỗ lực khắc phục, EU đang cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính và rút ngắn thời gian cấp phép cho các dự án, với việc chọn ra 47 dự án "chiến lược" tại 13 quốc gia thành viên để ưu tiên triển khai. Tuy vậy, các dự án khai thác vẫn đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng địa phương và các tổ chức môi trường, như tại Bồ Đào Nha và Serbia, do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và đời sống.

Trong lúc EU chật vật xây dựng năng lực tự chủ, các cường quốc khác như Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng gia tăng cạnh tranh trong việc tiếp cận nguồn khoáng sản tại Canada, Greenland và Ukraine, sử dụng cả biện pháp kinh tế lẫn ngoại giao. Bên cạnh đó, EU còn đối mặt với những vấn đề đạo đức khi ký thỏa thuận với các khu vực bất ổn như Rwanda, nơi bị cáo buộc liên quan tới hoạt động buôn lậu khoáng sản xung đột từ Congo.

Trong cuộc đua khoáng sản mang tính sống còn này, tham vọng của EU không chỉ đòi hỏi giải pháp về kỹ thuật và tài chính, mà còn cần sự khéo léo trong xử lý các thách thức xã hội, môi trường và địa chính trị, vốn ngày càng phức tạp và nhạy cảm.

Như Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/eu-va-cuoc-dua-khoang-san-trong-con-bao-dia-chinh-tri-i766636/
Zalo