EU tăng tần suất kiểm tra lên 20% với sầu riêng Việt Nam

EU đã tăng tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu lên 20% đối với sầu riêng của Việt Nam do không tuân thủ các quy định.

Liên minh châu Âu đã thông báo Quy định (EU) 2024/3153 ban hành ngày 18/12/2024 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa từ một số nước thứ ba vào Liên minh châu Âu, thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu. Quy định có liên quan đến sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

EU đã tăng tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu lên 20% đối với sầu riêng của Việt Nam.

EU đã tăng tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu lên 20% đối với sầu riêng của Việt Nam.

Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc tăng tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20% tại biên giới EU, dựa trên Điều 5 và Điều 6 của Quy định (EU) 2019/1793. Nguyên nhân xuất phát từ việc không tuân thủ mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL). Các hoạt chất như Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin và Acetamiprid được phát hiện tồn dư cao trên sầu riêng, với mức vi phạm dao động từ 0,021 đến 6,3 mg/kg, trong khi quy định của EU chỉ cho phép từ 0,005 đến 0,1 mg/kg.

Cũng tại quy định mới của EU, quả ớt, đậu bắp và thanh long vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới. Cụ thể, thanh long 30%, ớt và đậu bắp 50% và phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Quy định này có hiệu lực từ ngày 8/1/2025.

Trước đó, hồi đầu năm, lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng này với tần suất 10%. Trong năm nay, tại Việt Nam, đã có nhiều trường hợp vi phạm không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh khi xuất khẩu và gian lận trong xuất khẩu sầu riêng.

Những quy định này không chỉ phản ánh yêu cầu khắt khe của EU đối với an toàn thực phẩm mà còn đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, là yếu tố sống còn để giữ vững thị phần tại một thị trường quan trọng như EU.

Theo thông lệ, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ công bố các sửa đổi trong quy định về việc tăng cường kiểm soát hoặc áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với một số hàng hóa nhất định vào EU.

Dự báo cả năm 2024, xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023. Trong đó, riêng mặt hàng sầu riêng dự kiến đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành. Với diện tích trồng hiện tại khoảng 154.000 ha và sản lượng gần 1,2 triệu tấn, sầu riêng Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng để đảm bảo bền vững, cần có chiến lược dài hạn trong việc nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/eu-tang-tan-suat-kiem-tra-len-20-voi-sau-rieng-viet-nam-1104317.html
Zalo