EU sẽ tăng cường hợp tác với các nước cũng chịu thuế quan Mỹ

EU có thể tiến hành những cuộc tiếp xúc với các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm Canada và Nhật Bản, trong đó có thể có khả năng phối hợp hành động.

Cảng hàng hóa tại Hamburg, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng hàng hóa tại Hamburg, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Theo các nguồn thạo tin, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị tăng cường hợp tác với các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi Mỹ đưa ra những lời cảnh báo mới đối với khối này và các đối tác thương mại khác.
Nguồn tin này cho hay EU có thể tiến hành những cuộc tiếp xúc với các quốc gia, bao gồm Canada và Nhật Bản, trong đó có thể có khả năng phối hợp hành động.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ đã kéo dài và tiếp tục bị đình trệ ở một số vấn đề, trong đó có ô tô và thuế đối với nông sản.
Các quốc gia thành viên EU đã được thông báo tóm tắt về tình hình đàm phán vào ngày 13/7. Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết khối sẽ gia hạn việc tạm dừng những biện pháp đáp trả thương mại đối với Mỹ cho đến ngày 1/8 để có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Những biện pháp này đã được thông qua để đối phó với thuế quan do ông Trump áp đặt trước đó đối với thép và nhôm trước khi được tạm dừng lần đầu tiên, và dự kiến sẽ có hiệu lực trở lại vào nửa đêm ngày 15/7 (giờ địa phương).
Phát biểu với báo giới ở Brussels hôm 13/7, bà von der Leyen cho biết EU sẽ tiếp tục chuẩn bị các biện pháp đối phó hơn nữa để hoàn toàn sẵn sàng, nhưng nhấn mạnh rằng EU vẫn ưu tiên một giải pháp được đưa ra thông qua đàm phán.
Các nguồn tin cho biết, danh sách các biện pháp đối phó hiện tại sẽ ảnh hưởng đến khoảng 21 tỷ euro (24,5 tỷ USD) hàng hóa của Mỹ, trong khi EU đã có sẵn một danh sách khác trị giá khoảng 72 tỷ euro, cũng như một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu, sẽ được trình lên các quốc gia thành viên của khối này vào ngày 14/7.
Bà von der Leyen cũng cho biết công cụ chống cưỡng chế (ACI) của EU - công cụ thương mại mạnh nhất của khối - sẽ không được sử dụng vào thời điểm này. Bà nói rằng công cụ này được tạo ra cho những tình huống đặc biệt và EU vẫn chưa ở trong tình huống đó. Trước đó, trong một bài đăng trên mạng xã hội đáp lại thông báo của ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi đẩy nhanh việc chuẩn bị các biện pháp đối phó đáng tin cậy, bao gồm cả công cụ ACI, nếu không đạt được thỏa thuận nào trước ngày 1/8.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz tối 13/7 nhận định rằng mức thuế 30% sẽ ảnh hưởng "tận gốc rễ" đến các nhà xuất khẩu ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này, nếu không thể tìm thấy một giải pháp đàm phán trong cuộc xung đột thương mại với Mỹ.
Ông Merz cho biết ông đang phối hợp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo khác để đảm bảo rằng những mức thuế lớn như vậy không có hiệu lực. Trong một cuộc phỏng vấn với ARD, nhà lãnh đạo này cho biết điều đó đòi hỏi hai điều: sự thống nhất trong EU và đường dây liên lạc tốt với Tổng thống Mỹ.
Hiện tại, EU đang phải đối mặt với mức thuế 50% của Mỹ đối với các mặt hàng thép và nhôm, 25% đối với ô tô và phụ tùng, 10% đối với hầu hết các sản phẩm khác. Mỹ cũng đang xem xét áp thêm thuế đối với dược phẩm và chất bán dẫn của khối này.
EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, lớn hơn cả Mexico, Canada và Trung Quốc. Năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu khoảng 606 tỷ USD hàng hóa từ EU và xuất khẩu khoảng 370 tỷ USD sang khối này. Sự mất cân bằng thương mại đó là một vấn đề mà ông Trump đặc biệt quan tâm khi ông cố gắng sử dụng thuế quan để chấn hưng ngành sản xuất của Mỹ.
Theo dữ liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, thương mại hàng hóa và dịch vụ với EU chiếm khoảng 4,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ vào năm 2024. Điều đó có nghĩa là thương mại với châu Âu thậm chí còn chiếm một phần lớn hơn trong nền kinh tế Mỹ so với thương mại với Trung Quốc. Cụ thể, thương mại Mỹ - Trung chỉ chiếm 2,2% GDP của Mỹ trong năm ngoái.
Dược phẩm là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của EU sang Mỹ, đạt kim ngạch tổng cộng là 127 tỷ USD vào năm 2024. Châu Âu là cái nôi của những “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp dược phẩm như Bayer và Sanofi, nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện. Một số công ty dược của Mỹ có nhà máy đặt ở Ireland - quốc gia có thuế suất thấp. Năm 2024, Ireland xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn Italy và Pháp.
Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu khác từ châu Âu vào Mỹ là ô tô (45,2 tỷ USD) và nhiều loại máy móc khác nhau. Mỹ cũng đã mua 5,4 tỷ USD rượu vang và 4,4 tỷ USD nước hoa từ EU trong năm ngoái.
Châu Âu là một khách hàng lớn mua dầu thô, khí đốt, ô tô, máy bay của Mỹ, cũng như các sản phẩm liên quan đến máu như huyết tương. Năm ngoái, Mỹ thu về kim ngạch xuất khẩu 32,3 tỷ USD máy bay và phụ tùng máy bay, cùng 12,4 tỷ USD ô tô từ thị trường EU. Một lượng lớn ô tô xuất khẩu từ châu Âu sang Mỹ là của các thương hiệu châu Âu như BMW và Mercedes.
Ngoài ra, Mỹ là một lực lượng lớn trên huyết tương toàn cầu và đã cung cấp 5,2 tỷ USD các sản phẩm liên quan đến máu cho thị trường EU trong năm ngoái.
Theo số liệu của BEA, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa 235,6 tỷ USD với EU trong năm 2024, nhưng nếu tính cả thương mại dịch vụ, mức thâm hụt thương mại chung của Mỹ với EU giảm xuống còn 161 tỷ USD.

Khánh Ly/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/eu-se-tang-cuong-hop-tac-voi-cac-nuoc-cung-chiu-thue-quan-my/380233.html
Zalo