EU nỗ lực đàm phán thuế quan trước hạn chót của Tổng thống Mỹ

Khi hạn chót 1/8 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đến gần, châu Âu quyết định gia hạn việc tạm dừng các biện pháp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, một bước đi chiến lược mà theo các chuyên gia là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Washington.

Thông tin này đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen xác nhận trong cuộc họp báo tại Brussels ngày 13/7. Tại buổi họp báo, người đứng đầu Ủy ban châu Âu nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục dừng các biện pháp trả đũa trong khi đàm phán với chính quyền Mỹ vẫn đang được tiến hành. Đồng thời, EU cũng chuẩn bị các kịch bản ứng phó nếu tình huống xấu nhất xảy ra. Chúng tôi luôn khẳng định rõ ưu tiên hàng đầu là giải pháp thông qua thương lượng. Điều này không có gì thay đổi, và chúng tôi sẽ tận dụng tối đa thời gian còn lại cho đến ngày 1/8 để tìm kiếm đồng thuận”, theo Reuters.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp hồi năm 2020. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp hồi năm 2020. Ảnh: Reuters

Thông báo từ phía EU được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 12/7 tuyên bố sẽ áp thuế lên đến 30% đối với hàng xuất khẩu từ châu Âu và Mexico, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8. Tổng thống Trump cho rằng biện pháp này nhằm “thiết lập công bằng thương mại” và thúc ép các đối tác đạt được một thỏa thuận thương mại “có đi có lại”.

Đây không phải là lần đầu tiên EU và Mỹ đối đầu trong vấn đề thuế quan. Hồi tháng 3 vừa qua, phía châu Âu từng công bố kế hoạch áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa trị giá 26 tỷ Euro (khoảng 30 tỷ USD) nhập khẩu từ Mỹ, nhằm phản ứng với việc Washington tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm từ các nước đồng minh, trong đó có châu Âu.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump thông báo tạm hoãn thực thi “thuế quan tương hỗ”, EU đã quyết định đóng băng các biện pháp trả đũa trong vòng 90 ngày để tạo điều kiện cho đối thoại. Thời hạn tạm dừng này dự kiến kết thúc vào ngày 15/7, khiến các nhà lãnh đạo EU đứng trước áp lực phải đưa ra quyết định kịp thời.

Đòn tấn công mới từ Washington cũng đặt ra thách thức với sự thống nhất trong nội bộ của EU. Trong bối cảnh hạn chót đang đến gần, các bộ trưởng thương mại của EU sẽ nhóm họp tại Brussels để bàn thảo các phương án tiếp theo nếu đàm phán thất bại. Một số nguồn tin từ nội bộ EU cho biết, có thể khối này sẽ tái kích hoạt các gói thuế trả đũa trong trường hợp Washington tiến hành đánh thuế theo đúng lịch trình đã công bố.

Về phía Mỹ, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett phát biểu trên kênh ABC News ngày 13/7 rằng Tổng thống Trump vẫn “không hài lòng” với các đề xuất hiện tại từ phía các đối tác thương mại. “Những bản phác thảo thỏa thuận mà chúng tôi nhận được chưa đạt kỳ vọng. Các mức thuế quan sẽ có hiệu lực nếu Tổng thống không nhận được một thỏa thuận mà ông ấy cho là đủ tốt”, ông Hassett nói. Tuyên bố này cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump đang duy trì lập trường cứng rắn, sẵn sàng kích hoạt các biện pháp thuế quan nếu không đạt được một thỏa thuận có lợi cho Mỹ trong thời gian tới, theo các chuyên gia.

Theo dữ liệu của đại diện Thương mại Mỹ, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Mỹ với EU ước tính đạt 975,9 tỷ USD vào năm 2024. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của EU, trong khi EU cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông sản, ôtô, và dịch vụ tài chính. Quan hệ thương mại EU-Mỹ được đánh giá là có vai trò quan trọng hàng đầu thế giới. Các chuyên gia nhận định, bất kỳ động thái gia tăng thuế quan nào giữa hai bên đều có thể gây ra tác động lan tỏa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng bất ổn cho thị trường tài chính quốc tế, vốn đang chịu nhiều áp lực từ các biến động địa chính trị và lạm phát toàn cầu.

Dù tình hình hiện tại còn tồn tại những bất trắc, các nhà quan sát cho rằng việc EU tạm hoãn áp thuế là một tín hiệu tích cực cho thấy cánh cửa đối thoại vẫn còn rộng mở. Các nhà đàm phán hai bên hiện đang làm việc với tốc độ khẩn trương để tránh lặp lại kịch bản “chiến tranh thương mại” từng xảy ra vào năm 2018–2019, đã khiến cả hai bên thiệt hại hàng chục tỷ USD.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng thách thức lớn nhất hiện nay nằm ở việc dung hòa các lợi ích chính trị trong nước với yêu cầu xây dựng một hệ thống thương mại công bằng và bền vững hơn. Trong khi EU hướng tới việc duy trì trật tự thương mại đa phương dựa trên luật lệ thì chính quyền ông Trump tiếp tục theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, tập trung vào các thỏa thuận song phương để giành được nhiều nhượng bộ hơn từ các đối tác.

Trong khi thời hạn chót đang đến gần, giới đầu tư và các doanh nghiệp hai bên Đại Tây Dương đang theo dõi sát sao các diễn biến từ Brussels và Washington. Một thỏa thuận thành công trước ngày 1/8 sẽ không chỉ giúp tránh được một cuộc chiến thuế quan quy mô lớn mà còn gửi đi thông điệp tích cực về khả năng hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngược lại, nếu các cuộc đàm phán không đạt kết quả, khả năng rất cao là cả hai bên sẽ bước vào vòng đối đầu mới với các biện pháp thuế trả đũa lẫn nhau, từ đó làm gia tăng chi phí kinh doanh, giảm niềm tin tiêu dùng cũng như kéo tụt tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

Duy Tiến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/eu-no-luc-dam-phan-thue-quan-truoc-han-chot-cua-tong-thong-my-i774794/
Zalo