Đức đề xuất mua bệ phóng tên lửa tầm bắn 2.000 km của Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius vừa tiết lộ Berlin đã chính thức đề xuất mua hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài RT (Nga), ngày 14/7, ông Pistorius xác nhận Chính phủ Đức đã gửi yêu cầu chính thức tới Washington để mua hệ thống tên lửa Typhon - loại vũ khí có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đa năng SM-6. Hệ thống này có tầm bắn lên tới khoảng 2.000 km.
Bộ trưởng Pistorius nhấn mạnh Typhon sẽ giúp Đức và các đồng minh lấp đầy khoảng trống về năng lực tên lửa tầm xa trong thời gian chờ đợi châu Âu tự phát triển các loại tên lửa tương tự. Quá trình này dự kiến mất từ 7 đến 10 năm.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về việc Mỹ có giữ cam kết triển khai hệ thống tên lửa tầm xa tại Đức từ năm 2026 hay không - một kế hoạch được chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden công bố lần đầu vào năm 2024.
“Tôi rất tin tưởng thỏa thuận năm ngoái vẫn còn hiệu lực, nhưng chúng tôi vẫn đang chờ quyết định cuối cùng từ phía Mỹ”, ông Pistorius cho biết.
Thông tin về việc Đức triển khai tên lửa tầm xa đã gây phản ứng mạnh từ Moskva. Nga cảnh báo họ sẽ không còn bị ràng buộc bởi lệnh tạm dừng đơn phương trước đó đối với việc triển khai các tên lửa tương tự và có thể sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng.
Việc triển khai bệ phóng Typhon và các vũ khí tầm xa khác, nếu trở thành hiện thực, có nhiều điểm tương đồng với quyết định gây tranh cãi của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Pershing II với tầm bắn hơn 2.000 km ở Tây Đức vào những năm 1980. Động thái này từng gây ra các cuộc biểu tình lớn trên khắp châu Âu và kích hoạt một vòng xoáy căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ, cuối cùng dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Lịch sử cho thấy hệ thống Typhon từng bị cấm triển khai theo Hiệp ước INF ký năm 1987 giữa Liên Xô và Mỹ. Hiệp ước này quy định cấm tất cả các tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km nhằm giảm nguy cơ đối đầu hạt nhân.
Tuy nhiên, Hiệp ước INF đã chính thức hết hiệu lực vào năm 2019, khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước với lý do cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản. Nga phủ nhận các cáo buộc này và tố Mỹ phát triển các loại tên lửa bị cấm. Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng sự sụp đổ của INF đã làm suy yếu nghiêm trọng khuôn khổ an ninh toàn cầu.