EU gây sức ép cực mạnh khi đề xuất G7 hạ giá trần dầu của Nga xuống 50 USD
Trong trường hợp đề nghị được thông qua và triển khai, ngân sách Nga có thể đối diện nguy cơ cực lớn.

Tuần này, Liên minh châu Âu sẽ đề xuất với các nước G7 về việc hạ mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga từ ngưỡng hiện tại là 60 đô la xuống còn 50 đô la một thùng. Ủy viên châu Âu về Kinh tế Valdis Dombrovskis cho biết vào ngày 19 tháng 5 năm 2025.
Hãng thông tấn Reuters của Anh sau khi tham khảo các nguồn tin trong những cơ cấu của EU nắm rõ tiến trình thảo luận nói thêm sáng kiến này sẽ là một phần của gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga và sẽ được trình bày tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 ở Canada.
Theo ông Dombrovskis, biện pháp trên nhằm mục đích giảm thêm thu nhập của Moskva từ xuất khẩu năng lượng, trong khi vẫn duy trì sự ổn định trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Giá trần đối với dầu thô của Nga do các nước G7, EU và Australia áp dụng từ ngày 5 tháng 12 năm 2022, giới hạn giá dầu vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 đô la một thùng.
Điều khoản trên cấm các công ty phương Tây cung cấp dịch vụ bảo hiểm, vận tải hoặc tài trợ cho dầu được bán với giá cao hơn mức trần quy định.
Hạn chế tương tự đối với các sản phẩm dầu mỏ như dầu diesel (100 đô la một thùng) và dầu nhiên liệu (45 đô la một thùng) đã có hiệu lực kể từ ngày 5 tháng 2 năm 2023.

Giá trần dầu thô Nga sẽ bị hạ xuống mức 50 đô la mỗi thùng?
Cơ chế này nhằm mục đích giảm doanh thu xuất khẩu của Nga mà không gây thâm hụt trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên như Reuters lưu ý, Moskva đang lách lệnh trừng phạt hiệu quả bằng cách sử dụng "hạm đội bóng tối" độc lập với các công ty bảo hiểm phương Tây.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào tháng 4 năm 2025, giá dầu thô Urals của Nga đã giảm xuống dưới 60 đô la một thùng, trung bình là 55,64 đô la. Điều này cho phép các công ty Nga thu hút tàu chở dầu và công ty bảo hiểm phương Tây mà không vi phạm lệnh trừng phạt, đồng thời duy trì khối lượng xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, việc giảm trần giá xuống 50 đô la sẽ làm tăng áp lực lên ngân sách của Nga, vì doanh thu từ dầu mỏ trong tháng 4 năm 2025 đã đạt mức thấp nhất trong hai năm là 13,2 tỷ đô la, theo số liệu của IEA, khiến Quỹ phúc lợi Quốc gia mất nguồn thu quan trọng và phải "xả kho" tiền dự trữ nhằm bù đắp thâm hụt.
Trung Quốc và Ấn Độ trở thành trụ đỡ kinh tế Nga khi tiêu thụ khối lượng rất lớn dầu thô.
Theo Reuters