EU chuẩn bị cho các kịch bản trên chính trường Mỹ
Báo Financial Times (FT) mới đây có bài viết với tựa đề: 'Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch thương mại 'hai bước' để đối phó với kịch bản ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ'.
EU đang xây dựng chiến lược thương mại hai bước để đối phó với kịch bản ông Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, chiến thắng nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã tuyên bố sẽ siết chặt luồng chảy thương mại quốc tế, áp dụng thuế tối thiểu 10% đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo ước tính, triển vọng nâng thuế như vậy có khả năng làm giảm giá trị xuất khẩu của EU khoảng 150 tỷ euro (162,24 tỷ USD) mỗi năm.
Các quan chức EU dự định trao cho ứng viên Đảng Cộng hòa Mỹ một thỏa thuận nhanh chóng nếu ông thắng trong cuộc bầu cử tới và sẽ tiến hành trả đũa có mục tiêu nếu ông chọn áp thuế quan trừng phạt. Các nhà lãnh đạo EU tin rằng cách tiếp cận hai bước, vừa có lợi vừa có hại, là phản ứng cần thiết và hiệu quả nhất.
Cụ thể, các nhà đàm phán EU đang lên kế hoạch thảo luận về những loại hàng hóa nào của Mỹ mà EU có thể mua với số lượng lớn hơn, nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 này.
Nếu các cuộc đàm phán cải thiện thương mại thất bại và ông Trump áp dụng mức thuế quan cao hơn, bộ phận thương mại của Ủy ban châu Âu sẽ lập danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ mà họ có thể áp dụng mức thuế 50% trở lên.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết: “Chúng tôi phải chứng minh rằng chúng tôi là đối tác của Mỹ, chứ không phải là đối thủ. Chúng tôi sẽ tìm kiếm các thỏa thuận, nhưng chúng tôi sẵn sàng tự vệ nếu cần thiết. Chúng tôi sẽ không bị dẫn dắt bởi nỗi sợ hãi".
Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump từ năm 2017 đến năm 2021. Trong giai đoạn này, quan hệ thương mại Mỹ - EU có nhiều sự thay đổi thiên về hướng gây thiệt hại cho EU, khu vực có thặng dư thương mại hàng hóa đáng kể với Mỹ.
Sau khi ông Trump áp thuế đối với 6,4 tỷ euro thép và nhôm nhập khẩu từ EU và một số quốc gia khác vào năm 2018 vì lý do an ninh quốc gia, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định đáp trả bằng cách áp thuế nhập khẩu 25% lên một loạt sản phẩm của Mỹ, trị giá 2,8 tỷ euro.
Khi thiết kế các biện pháp trả đũa, EU đã chọn cách nhắm vào những cử tri cốt lõi của ông Trump bằng cách áp thuế mạnh đối với mặt hàng như quần bò, xe gắn máy, thuyền máy và rượu whiskey.
Hiện thuế quan đang tạm được đình chỉ theo thỏa thuận tạm thời mà EU đã ký kết với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đáp lại việc Mỹ tạm dừng thuế quan đối với kim loại nhập khẩu từ EU.
Ông Valdis Dombrovskis, Ủy viên Thương mại EU, nói với tờ FT rằng ông hy vọng hai bên có thể tránh được việc lặp lại "cuộc đối đầu" trong quá khứ. Ông chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng Mỹ và EU là đồng minh chiến lược, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị hiện tại. Điều quan trọng là chúng tôi phải hợp tác với nhau về thương mại".
Tuy nhiên, ông cho biết thêm: "Chúng tôi đã bảo vệ lợi ích của mình bằng thuế quan và chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình một lần nữa nếu cần thiết".
Vị quan chức người Latvia này kêu gọi một “cách tiếp cận hợp tác” và cho biết EU cởi mở với “các thỏa thuận có mục tiêu”, hướng tới việc giảm thiểu thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 156 tỷ euro.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, EU ban đầu đã đạt được một thỏa thuận về tôm hùm, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tiểu bang Maine, nơi ông Trump hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ của cử tri để chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Bang này đã bầu chọn một thống đốc và đại diện Cộng hòa hiếm hoi vào năm 2016.
EU đã giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm tôm hùm sống và đông lạnh của Mỹ - cũng như đối với tất cả các quốc gia khác không có thỏa thuận thương mại, theo các quy tắc thương mại toàn cầu. Đổi lại, Mỹ đã giảm một nửa thuế đối với một loạt hàng hóa, bao gồm đồ thủy tinh, pha lê và bật lửa.
Các thỏa thuận tiếp theo về thịt bò và đậu nành cũng đã được ký kết giữa EU và Mỹ vào thời điểm đó. Nhưng thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ với EU đã tăng lên 152 tỷ euro vào năm 2020, từ mức 114 tỷ euro vào năm 2016 khi ông Trump thắng cử.
Tiếp theo, từ năm 2022, khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, EU đã nhập khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế nguồn cung từ Nga. Thâm hụt thương mai giữa Mỹ và EU dưới thời của Tổng thống Biden ổn định ở mức 156 tỷ euro vào năm 2023.
Tuy nhiên, các quan chức EU đã cảnh báo rằng rất khó để tăng đáng kể hàng nhập khẩu của Mỹ vào khối này. Hơn nữa, kinh tế EU đang tăng trưởng chậm, với tốc độ chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và nhu cầu tiêu dùng của khối này đang sụt giảm.
Chuyên gia Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs, gần đây đã dự báo rằng một cuộc chiến thuế quan, nếu xảy ra, sẽ gây thiệt hại cho EU nhiều hơn Mỹ.
Nó sẽ khiến EU mất 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với 0,5% của Mỹ. Tuy nhiên, nó cũng sẽ làm tăng thêm 1,1% vào tỷ lệ lạm phát ở Mỹ, so với 0,1% ở EU.
Các nhà hoạch định chính sách của EU hy vọng ông Trump sẽ không muốn kích động lạm phát, khi cử tri Mỹ vẫn đang lo lắng về chi phí sinh hoạt tăng cao. Nhưng một quan chức cấp cao EU cho biết: "Bất kể điều gì xảy ra lần này, chúng tôi đã chuẩn bị tốt hơn”.