EU cắt giảm nhân sự và hoạt động tại hàng loạt cơ quan đại diện ở nước ngoài
Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch thu hẹp quy mô tại khoảng 10 cơ quan đại diện ở nước ngoài, đồng thời cắt giảm khoảng 100 nhân viên địa phương trong bối cảnh nhiều cơ quan của EU phải đối mặt với áp lực ngân sách và điều chỉnh ưu tiên chiến lược trên toàn cầu.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Kaja Kallas trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 20/5, kế hoạch cải tổ do bà Kaja Kallas - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU - trình bày với lãnh đạo Ủy ban châu Âu vào tuần trước đã được thông qua và sẽ được triển khai trong vòng hai năm tới. Kế hoạch này nhằm tái cấu trúc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), theo đó khoảng 10 cơ quan đại diện ngoại giao sẽ bị thu hẹp về mức nhân sự tối thiểu, chỉ duy trì đại sứ và một đến hai trợ lý, trong khi phần lớn nhân viên địa phương sẽ bị cắt giảm.
Một quan chức EU cho biết các phái bộ bị cắt giảm nằm tại những quốc gia hiện không còn được coi là trọng tâm chiến lược của khối, như Belarus hoặc Lesotho. Liên minh châu Âu đang chuyển trọng tâm từ viện trợ phát triển sang các lợi ích chiến lược, bao gồm thực thi lệnh trừng phạt và tăng cường hợp tác quốc phòng. Nguồn lực sẽ được điều chỉnh phù hợp với các ưu tiên mới này.
Mặc dù không có kế hoạch chính thức đóng cửa bất kỳ cơ quan đại diện nào trong tổng số 144 phái bộ hiện có, việc rút giảm nhân sự xuống mức tối thiểu và chuyển sang làm việc từ xa được một số quan chức đánh giá là tương đương với việc "đóng cửa trên thực tế". Việc cắt giảm khoảng 100 nhân viên địa phương dự kiến sẽ được triển khai theo hai giai đoạn, lần lượt vào các năm 2026 và 2027.
Kế hoạch hiện tại được đánh giá là nhẹ nhàng hơn so với đề xuất ban đầu được tờ Politico tiết lộ vào tháng 11/2024, theo đó Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) có thể phải cắt giảm tới 800 nhân sự. Một tài liệu nội bộ cho biết đề án cải tổ sẽ tiêu tốn khoảng 20 triệu euro trong năm đầu tiên triển khai, nhưng dự kiến sẽ giúp tiết kiệm khoảng 9 triệu euro mỗi năm trong ba năm tiếp theo.
Cơ quan Đối ngoại châu Âu, thành lập năm 2011, ban đầu tập trung vào hợp tác kinh tế và viện trợ phát triển, đã mở rộng quy mô từ vài chục nhân sự lên hơn 5.200 người trên toàn cầu. Các cơ quan đại diện của EU có nhiệm vụ duy trì quan hệ với chính phủ sở tại, quản lý việc phân bổ ngân sách và viện trợ của EU, đồng thời theo dõi tình hình tại các khu vực xung đột.
Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị thay đổi, EU đang ưu tiên các cơ quan đại diện có khả năng hỗ trợ việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đặc biệt tại các quốc gia cấp cờ tàu cho đội tàu chở dầu của Nga nhằm né tránh kiểm soát quốc tế. Những phái bộ này có thể được tăng cường nhân lực trong thời gian tới.
Một quan chức cảnh báo rằng các cắt giảm hiện tại mới chỉ là bước đầu và có thể sẽ sâu hơn khi EU bước vào giai đoạn đàm phán Khung tài chính đa niên (MFF) - tức ngân sách dài hạn của khối - trong thời gian tới. Các biện pháp tiết kiệm cũng phản ánh xu hướng thắt chặt chi tiêu tại Brussels, trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên do dự trong việc tăng đóng góp tài chính và mong muốn dành thêm nguồn lực cho các chương trình quốc phòng.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu hiện chưa đưa ra bình luận về kế hoạch này.