EU 'bừng tỉnh' hối hả nhập cuộc chiến chip bán dẫn, so găng với các đối thủ nặng ký, châu Âu còn hy vọng?

Trong bối cảnh Mỹ đã can thiệp mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, EU vừa chính thức thông qua Thỏa thuận tạm thời trị giá 43 tỷ Euro (47 tỷ USD) đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn.

EU ‘bừng tỉnh’ hối hả nhập cuộc đua chip bán dẫn, so găng với các đối thủ nặng ký, châu Âu còn hy vọng? Ảnh minh họa. (Nguồn: VCG)

EU ‘bừng tỉnh’ hối hả nhập cuộc đua chip bán dẫn, so găng với các đối thủ nặng ký, châu Âu còn hy vọng? Ảnh minh họa. (Nguồn: VCG)

Tìm lại đỉnh vinh quang?

Liên minh châu Âu (EU) triển khai Đạo luật Chip mới, nhằm củng cố lĩnh vực sản xuất chip và bảo đảm khả năng phục hồi của lĩnh vực đầy tiềm năng này, trong bối cảnh Mỹ đã can thiệp sâu chưa từng có vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Kế hoạch được đánh giá mang tính bước ngoặt nhằm đưa ngành công nghiệp Chip bán dẫn ở châu Âu trở lại "đỉnh vinh quang".

Các nhà phân tích công nghiệp bình luận, hiện nay nhiều quốc gia và khu vực đã nhận ra tầm quan trọng của việc tập trung phát triển trong lĩnh vực đầy hứa hẹn này vì không ai muốn chứng kiến Mỹ “một mình một chợ” thống trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Trong một tuyên bố mới đây, Hội đồng châu Âu (EC) cho biết, Đạo luật Chip dự kiến tập trung phát triển cơ sở công nghiệp nhằm tăng gấp đôi thị phần toàn cầu của EU về chất bán dẫn, từ 10% lên ít nhất 20% vào năm 2030. EU cần tăng gấp 4 lần sản lượng để đáp ứng mục tiêu này.

"Thỏa thuận có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, đồng thời bảo đảm khả năng phục hồi của EU trong thời kỳ thế giới đang có những biến động mạnh", Ebba Busch, Bộ trưởng Năng lượng, kinh doanh và công nghiệp Thụy Điển nhận định.

Đạo luật Chip châu Âu dự kiến huy động 43 tỷ Euro từ đầu tư công và tư, với 3,3 tỷ Euro đến từ ngân sách EU, tìm cách giúp khối này cạnh tranh với các "đối thủ nặng ký" là Mỹ và châu Á về công nghệ chip bán dẫn, đồng thời tìm cách kiểm soát nhiều hơn chuỗi cung ứng của mình để giảm sự phụ thuộc vào những "người chơi" trên thị trường quốc tế. Đây là một phần trong nỗ lực của EU nhằm đạt được “chủ quyền kỹ thuật số”, với kỳ vọng họ sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các công nghệ quan trọng.

Chip bán dẫn là bộ não của các thiết bị điện tử. Chúng được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến máy chơi game. Chất bán dẫn và chuỗi cung ứng trở thành vấn đề nhức nhối đối với các chính phủ trên thế giới, sau khi tình trạng khan hiếm chip bán dẫn toàn cầu đã gây ra cơn sốc mạnh, dẫn đến các vấn đề về đầu vào thậm chí kìm hãm ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất ô tô và điện tử.

Đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ sự phụ thuộc quá mức của thế giới vào các nhà sản xuất từ Đài Loan và Trung Quốc đối với các linh kiện bán dẫn. Do đó, châu Âu đang tìm cách kiểm soát nhiều hơn chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, đánh giá về "bước đi" mới này của EU, Fu Liang - một nhà phân tích công nghệ độc lập đã tỏ ra hoài nghi rằng, "chỉ có 3,3 tỷ Euro từ ngân sách EU, thì vẫn còn phải đợi xem nó có thể tạo ra bao nhiêu tác động cận biên và liệu cuối cùng nó có thể huy động đủ nguồn vốn hay không".

Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, giống như Đạo luật Khoa học và Chip của Mỹ, việc huy động vốn tư nhân không hề đơn giản, bởi chủ yếu chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Thị phần của EU đã giảm mạnh trong những năm gần đây do sự tăng trưởng nhanh chóng của lĩnh vực chip ở châu Á và nỗ lực ngày càng tăng của Mỹ nhằm kiểm soát chuỗi công nghiệp.

Theo số liệu thống kê, trong những năm 1990, EU đã từng chiếm hơn 40% thị trường chip toàn cầu, nhưng thị phần đó hiện đã giảm xuống chỉ còn khoảng 10%.

Mục tiêu của châu Âu là gì?

Hiện không chỉ EU, nhiều quốc gia và khu vực đã tập trung cao vào các biện pháp nhằm tăng cường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

“Tình hình hiện nay cho thấy, những “người chơi” toàn cầu rất quan tâm, thậm chí là coi trọng việc phát triển công nghệ chip, đây cũng chính là nền tảng cho sự cạnh tranh trong tương lai”, nhà phân tích Fu Liang lưu ý.

Cuộc đua giành vị thế dẫn đầu về chip bán dẫn trở nên ngày càng sôi động. Vì không chỉ Mỹ, Trung Quốc hay EU, nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tích cực chạy đua để mở rộng thị phần chip và hướng tới mục tiêu tự chủ trong lĩnh vực này.

“Việc EU háo hức cố gắng bắt kịp các đối thủ cho thấy, họ thực sự muốn quyền tự chủ chiến lược thay vì chỉ đơn giản là đi theo các bước do Mỹ dẫn đường”. Nhà phân tích Fu Liang chỉ ra thêm rằng, không ai muốn thấy Mỹ kiểm soát toàn bộ chuỗi công nghiệp.

"Thay vì mô hình một cực do Mỹ thống trị, các bên tham gia toàn cầu, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ, muốn thấy một mô hình phát triển đa cực", chuyên gia Fu nhận định.

Trong khi đó, giữ vững nguyên tắc "Nước Mỹ trên hết", Mỹ đã và đang cố gắng can thiệp vào chuỗi cung ứng Chip toàn cầu, vốn là một trong những ngành công nghiệp toàn cầu hóa nhất trên thế giới. Các chuyên gia lưu ý rằng, Washington không chỉ cố gắng tách khỏi Trung Quốc mà còn muốn gây áp lực buộc các nước khác phải tuân theo lập trường của mình và giảm đầu tư vào Trung Quốc-thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới.

Trung Quốc có kế hoạch phát triển vật liệu chip thế hệ tiếp theo mà nước này đưa ra vào năm 2020 như một phản ứng trước những hạn chế từ thời cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, chiến lược quốc gia đó vẫn chưa mang lại lợi thế công nghệ cho các nhà sản xuất chip hàng đầu trong nước. Trong khi đó, Washington đã liên tục thực hiện một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, như thiết bị sản xuất chip và bộ xử lý trí tuệ nhân tạo-một phần của loạt lệnh trừng phạt công nghệ rộng lớn hơn.

Các công ty Trung Quốc cho biết, họ buộc phải tăng cường khả năng tự lực, nhưng đồng thời, không có ý định tránh hợp tác với những người dẫn đầu toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng, "thị trường chip là mối quan hệ hợp tác và cạnh tranh, theo đó các bên khác nhau có thể cạnh tranh và cùng nhau phát triển".

Việc tham gia của EU khiến cuộc đua trong ngành bán dẫn toàn cầu trở nên gay cấn hơn. Theo nhận định của AFP, EU vốn có nền nghiên cứu tiên tiến về chip điện tử, nhưng họ đã tụt hậu và đánh mất thị phần trong nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên, theo Phát ngôn viên của EU Dan Nica, mục tiêu ban đầu của họ là để "nếu xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, giống như cuộc khủng hoảng mà chúng ta đã trải qua trong năm 2022 với xung đột Nga-Ukraine, EU vẫn có thể bảo đảm mức sản xuất chip tối thiểu ở trong khu vực và sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác cùng chí hướng".

(theo Globaltimes, AFP)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-bung-tinh-hoi-ha-nhap-cuoc-chien-chip-ban-dan-so-gang-voi-cac-doi-thu-nang-ky-chau-au-con-hy-vong-225147.html
Zalo