ESG: 'Điều kiện cần' để đón dòng vốn ngoại
Nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến các doanh nghiệp có lộ trình thực hành ESG bài bản, hiệu quả, từng bước biến cam kết thành hành động cụ thể.

ESG đang trở thành một phần cốt lõi trong hoạt động vận hành của doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh
Dynam Capital, được biết đến là quỹ quản lý tài sản quốc tế chuyên tìm kiếm những khoản đầu tư dài hạn vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao, hiện đang theo dõi khoảng 25 trong tổng số hơn 1,6 nghìn doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoản Việt Nam.
Ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, cho biết, 25 doanh nghiệp trong danh sách theo dõi của quỹ có một điểm chung về “điều kiện cần” là đã đưa ra cam kết ESG rõ ràng, với những hành động cụ thể, chẳng hạn như thành lập ủy ban chuyên biệt về ESG hay chủ động xây dựng báo cáo phát thải carbon.
“ESG là bộ lọc không thể thiếu, bởi chúng tôi tìm kiếm những doanh nghiệp có tư duy dài hạn, minh bạch và có sự cải thiện liên tục”, ông Craig Martin nhấn mạnh tại Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2025.
Đồng tình với lựa chọn của Dynam Capital, bà Mimi Vũ, Đồng sáng lập Hội nghị nhà đầu tư ESG Việt Nam, đánh giá, ESG đang trở thành một phần cốt lõi trong hoạt động vận hành của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, việc đáp ứng ESG mở ra nhiều cơ hội để cải thiện tính minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động, tuân thủ các yêu cầu pháp lý, đạt được các chứng nhận. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển và vươn ra thị trường quốc tế, trong bối cảnh thương mại toàn cầu chứng kiến nhiều biến động khó lường.
Còn theo ông Nguyễn Bảo, Nhà sáng lập Green Transition Hub, tuân thủ ESG đang trở thành “mệnh lệnh kinh doanh toàn cầu”, giúp doanh nghiệp duy trì quan hệ đối tác lâu dài và tránh rủi ro gián đoạn sản xuất, kinh doanh.
Ông Bảo lấy ví dụ về thị trường EU, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đang đặt ra ngày càng nhiều yêu cầu về tính bền vững trong sản phẩm, dịch vụ. Việc tuân thủ các yêu cầu này là chìa khóa để doanh nghiệp giữ thị phần tại EU cũng như mở rộng sang các thị trường tiên tiến khác.
Thực hành ESG bắt đầu như thế nào?
Ông Craig Martin cho biết, có những doanh nghiệp đã bị loại khỏi danh mục đầu tư vì có đưa ra cam kết ESG nhưng thực thi không hiệu quả, thiếu những hành động cụ thể.
Chủ tịch Dynam Capital cho biết, quỹ dành khoảng 5 – 7 năm để theo dõi một doanh nghiệp, qua đó đưa ra nhận định xem doanh nghiệp có thực sự chuyển đổi hay không, thay vì chỉ quyết định dựa trên một cuộc họp, nghe những cam kết hào nhoáng từ phía doanh nghiệp.
“Chúng tôi không kỳ vọng doanh nghiệp thực hành hết 100% yếu tố ESG. Các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của Dynam Capital có tỷ lệ thực hành ESG quanh ngưỡng 50 – 65% và đó là điều bình thường, bởi ESG là hành trình, không cần nhanh nhưng cần sự bền bỉ và quyết tâm”, ông Craig Martin nói.
Thực tế cho thấy, các vấn đề về môi trường, xã hội, quản trị đặt ra rủi ro cho không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Những vấn đề ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp, không thể được giải quyết trong một sớm một chiều, thay vào đó là lộ trình rõ ràng và các kế hoạch hành động bài bản.
Chính vì vậy, doanh nghiệp không cần thiết phải kỳ vọng vào sự hoàn hảo ngay khi bắt đầu thực hành ESG. Theo ông Peter Hauggaard, Giám đốc điều hành Ecolean Việt Nam, các công ty cần bắt đầu từ việc thay đổi tư duy về triển khai ESG trong các hoạt động, sau đó từng bước chuyển đổi thành hành động.
Ông Peter Hauggaard lấy ví dụ về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thực hành phát triển bền vững không đơn thuần chỉ nằm ở việc cải tiến kỹ thuật mà cần phải tích hợp vào các công đoạn từ thiết kế, sản xuất bao bì cho đến xử lý rác thải, theo một lộ trình dài hạn.
Bà Mimi Vũ nhìn nhận, thời điểm hiện tại là cơ hội để doanh nghiệp bắt đầu từng bước đưa ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, với những cơ chế thông thoáng hỗ trợ cho khu vực tư nhân, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được Bộ Chính trị ban hành mới đây.